Một nghiên cứu được công bố trong "International Journal of Cancer" chỉ ra, những bệnh nhân uống một lượng cà phê vừa phải mỗi ngày có nguy cơ tái phát ung thư đại trực tràng thấp hơn 32% so với những người không có thói quen uống cà phê.
Theo nội dung được công bố, nghiên cứu đã quan sát hơn 2.000 bệnh nhân ung thư đại trực tràng, bao gồm cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi, tại 11 bệnh viện Hà Lan từ năm 2010 đến năm 2020.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhóm bệnh nhân trong và sau quá trình điều trị của họ.
|
Những bệnh nhân uống một lượng cà phê vừa phải mỗi ngày có nguy cơ tái phát ung thư đại trực tràng thấp hơn 32% so với những người không có thói quen uống cà phê (Ảnh minh họa: Getty). |
Abisola M. Oyelere, tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu cơ chế mà việc tiêu thụ cà phê có thể cải thiện tiên lượng của ung thư đại trực tràng".
Tuy nhiên, có một số nguyên nhân có thể giải thích cho kết quả này, điển hình như tính chất chống viêm và chống oxy hóa của cà phê.
Một người bình thường có thể uống khoảng 250-400mg caffeine (tương đương 2-3 ly) một ngày.
Một số nhóm đối tượng như người mắc các bệnh lý mãn tính (tim mạch, đang bị rối loạn nhịp tim…) trước khi dùng phải hỏi ý kiến bác sĩ. Lý do cà phê có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, có thể gây kích thích ở đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày… hoặc làm tăng nhu động ruột.
Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng nên thận trọng khi uống cà phê chứa caffeine. Cần lưu ý rằng cà phê đã khử caffeine vẫn chứa cafein. Một tách cà phê bình thường có thể chứa 75 đến 165mg caffeine, trong khi cà phê khử cafein chứa trung bình 2-7mg.
Việc tiêu thụ cà phê được coi là tối ưu khi uống trong khoảng khuyến nghị. Trong khi đó, với những người uống quá ít sẽ không đem lại kết quả có ý nghĩa và những người uống quá nhiều sẽ phản tác dụng.
"Những phát hiện có thể tiềm năng làm cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu can thiệp trong tương lai cũng như hướng dẫn dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng", nghiên cứu nêu rõ.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nhiều hoạt chất sinh học được tìm thấy trong cà phê có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể:
- Caffeine: Chất kích thích chính.
- Theobromine: Chất kích thích chính trong ca cao, cũng được tìm thấy với một lượng nhỏ trong cà phê.
- Theophylline: Một chất kích thích khác được tìm thấy trong cả ca cao và cà phê; đã được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn.
- Axit chlorogenic: Một trong những hợp chất hoạt động sinh học chính trong cà phê; có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ carbs.
Caffeine hoạt động bằng cách ngăn chặn chất adenosine. Đây là một chất ức chế dẫn truyền thần kinh. Bằng cách ngăn chặn adenosine, caffeine làm tăng kích thích các tế bào thần kinh và giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và norepinephrine.
Điều này làm cho bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tỉnh táo hơn. Đồng thời cà phê hay các đồ uống có caffeine có thể cải thiện 11-12% hiệu suất tập thể dục.
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy, việc tiêu thụ hàng ngày cà phê mang lại một loạt các lợi ích sức khỏe ấn tượng.
Việc uống thức uống giàu caffeine này được liên kết với giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, béo phì, trầm cảm, bệnh gan mạn tính và suy tim, cũng như tăng cường năng lượng, tăng hiệu suất thể thao và có thể giúp bạn sống lâu hơn.
Ngoài ra, một tách cà phê buổi sáng có tác dụng nhuận tràng. Tuy nhiên, bản thân caffeine dường như cũng kích thích nhu động ruột bằng cách tăng nhu động ruột, các cơn co thắt để di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa của bạn.
Với tác dụng này, không có gì ngạc nhiên khi liều lượng lớn caffeine có thể dẫn đến phân lỏng, thậm chí tiêu chảy ở một số người.