tháng 12 2014

Đó chính là quan điểm trong vai trò lãnh đạo của doanh nhân Hồ Quang Minh. Và cũng theo người đồng sáng lập Business Network International (BNI), Chủ tịch - TGĐ BNI Việt Nam, khi bạn luôn có tư duy tích cực, nghĩ đến việc “cho trước, nhận sau”, cùng giúp nhau nâng cao lòng tin và sự cam kết thì đó cũng là chìa khóa không chỉ giúp bạn thành công, mà còn là điều quan trọng để giúp chính doanh nghiệp của bạn thành công...

BNI chỉ phù hợp với một số người


Để mang về Việt Nam mô hình BNI thành công như hiện tại hẳn ông cũng gặp không ít những khó khăn và hoài nghi về mọi thứ. Tôi muốn biết cách của ông đã vượt qua khoảng thời gian “nghi ngại" đó như thế nào ?

Với tôi, cách duy nhất để vượt qua đó là phải... chứng minh. Tôi buộc phải cho mọi người thấy có một nhóm doanh nhân làm việc thật sự hiệu quả. Để có được điều này, tôi phải bỏ nhiều thời gian chăm sóc họ ngay từ đầu. Tôi luôn tin rằng, khi một ai đó đến với BNI thì họ sẽ học được những điều mới mẻ cho việc quản trị doanh nghiệp và có thêm cơ hội kinh doanh cũng như các mối quan hệ tin cậy. Và tôi đã chứng minh được. Vì vậy đến giờ này, BNI đã có 40 chapter, hơn 1400 chủ doanh nghiệp tham gia trên 7 tỉnh/thành cả nước.

BNI là một hệ thống hoạt động thành công dựa trên con người, mà đã là con người thì tâm lý của họ rất khó nắm bắt. Như vậy, ông phải có “bí quyết” hay “công thức” riêng của mình để “nắm bắt” những người tài đó?

Câu hỏi này rất hay. Thật ra, rất khó để xây dựng nên một cái “cầu vồng” với những màu sắc khác nhau như vậy. Tuy nhiên, “công thức” đó chỉ đơn giản xuất phát từ những người có sự cam kết. Để làm được điều này trước tiên phải nói đến hiệu quả của tổ chức cũng như BNI mang lại cho họ. Thứ hai, chúng tôi luôn chủ động về việc huấn luyện chủ đạo, làm công tác tư tưởng và truyền thông thường xuyên cho họ. Kế đến là tuyển đầu vào đáp ứng được những yêu cầu và có thái độ đúng với sân chơi mà mọi người tham gia. Người ta nói rằng, BNI rất hay nhưng nó không phù hợp cho tất cả mọi người mà chỉ phù hợp cho một số người. Ngày nay, mọi người không công nhận việc quản lý con người nữa, nếu một tổ chức hay công ty muốn thành công, người lãnh đạo chỉ nên quản lý hệ thống và tạo nên tính sở hữu cho mọi người.

Doanh nhân thường là những nhân vật có cái TÔI rất lớn. Ông là một thủ lĩnh, có nghĩa là, cái TÔI của ông hẳn phải “lớn” hơn họ?

Tôi nghĩ, để đảm bảo được cái TÔI của người khác thì cái TA phải có sự công nhận nhất định và chứng minh qua những số liệu cụ thể. Nhưng nói cái TÔI lớn hơn thì tôi không nghĩ thế. Người đứng đầu nhất định phải là người khiêm tốn và là người... “phục vụ” không hơn không kém. Đúng là vị trí của tôi là đứng đầu nhưng cũng có nghĩa là tôi phải là người đứng đầu trong vấn đề phục vụ.
Khi bạn đưa về một hệ thống lãnh đạo, thì hãy để mọi người cảm nhận vị trí lãnh đạo chỉ là một cấp bậc thấp nhất trong hàng lãnh đạo. Ai ý thức được việc đó họ sẽ phục vụ người khác bằng những việc làm cụ thể và được mọi người công nhận.

Có câu nói, “Người tài là người phải đứng được trên vai của người tài”, quan điểm này có đúng với vai trò của ông hiện tại?

Đúng! Nhưng tôi nghĩ, không ai có quyền “đứng trên” ai hết. Hãy chứng minh anh là người mang lại giá trị cho người khác thì lúc đó anh sẽ gây ảnh hưởng. “Đứng trên vai” nghĩa là mình dẫn dắt người khác, cùng đi với họ. Khi họ “lắng nghe và đi theo” thì hình tượng đó đẹp đẽ hơn “người này đứng trên vai người khác”.

Vậy trong quá trình lãnh đạo đã từng có ai không lắng nghe và họ chỉ muốn “rẽ trái” với sự hướng dẫn của ông không?

Cũng có. Một số anh em nghĩ rằng BNI tại sao lại cứng nhắc với hệ thống như vậy? Một số người lại nghĩ rằng họ sáng tạo hơn và trung thành với “sự sáng tạo” đó. Đã có một số anh em “rẽ trái” nhưng đã... bị lạc. Sau đó họ đã quay lại BNI. BNI không cứng nhắc mà cải tiến hàng năm thông qua trải nghiệm thành công rất thực tế trên 54 quốc gia.

Nói vậy không có nghĩa là BNI không có mặt hạn chế, thưa ông?

Hạn chế của chúng tôi trong 2 - 3 năm qua là nhu cầu của doanh nhân tham gia vào BNI khá lớn. Khi phát triển nhanh thì khó chủ động kiểm soát được yêu cầu, chất lượng đầu vào. Đến khi họ gia nhập sẽ gặp những kết quả không tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy được điều này nên đã nhanh chóng đưa việc huấn luyện vào để họ ý thức hơn, định hướng rõ và kiểm soát chặt hơn đầu vào để đảm bảo nhận đúng người vào và đem lại hiệu quả cho họ.

Tạm gọi sự kỳ vọng của ông về mức độ thành công của BNI là 100%. Trong giai đoạn này, ước muốn của ông đã đạt được bao nhiêu phần trăm?

Hơn 90%, còn về nhu cầu của người tham gia thì cao hơn 100%.

“Ngày nay, mọi người không công nhận việc quản lý con người nữa, nếu một tổ chức hay công ty muốn thành công, người lãnh đạo chỉ nên quản lý hệ thống và tạo nên tính sở hữu cho mọi người.”

Đó là sự khác biệt

BNI có một nguyên tắc khá... “quân đội”. Lịch sinh hoạt như thế đã khiến nhiều “chiến sĩ” bỏ cuộc?

Vâng! Và đó là sự khác biệt. Điều này sẽ sàng lọc những người muốn đạt được ước muốn đến để mở rộng mối quan hệ hoặc thêm cơ hội kinh doanh. Và đó cũng là sự khác biệt để... phân biệt giữa người này với người khác. Tôi rất vui khi có nhiều anh chị doanh nghiệp chia sẻ từ lúc tham gia BNI đã “thay đổi cuộc đời”. Họ nói, từ trước đến nay họ là chủ, đến công ty bao giờ cũng sau nhân viên. Nhưng giờ họ đã trở nên gương mẫu hơn, thay đổi lịch sinh hoạt của họ sớm hơn. Vì thế, giờ đây họ đang là một trong những người bán hàng giỏi nhất, mang lại doanh số cao nhất trong công ty đấy!

Thú vị chứ, khi người lãnh đạo làm gương cho tất cả nhân viên khác bằng việc... dậy sớm hơn để dẫn dắt mọi người. Thấy “sếp” thế thì nhân viên nào chẳng phải cố gắng... đi theo.(cười)

Tôi còn nghe thấy một số anh em tại đây nói rằng họ “đã nghiện” BNI. Ông đã tiêm chất “gây nghiện” gì vào họ vậy?

Ồ, tôi nghĩ bản thân chất “gây nghiện” này chính là sự kết nối của mọi người, năng lượng của nhiều người truyền cho một người. Sự gắn kết bền vững đó là do hàng tuần họ có cơ hội gặp nhau. Họ được biết người này người kia, trở nên thân thiết và không thể tách rời được. Đấy, họ đến để nuôi trồng, chăm sóc các mối quan hệ của mình. Bằng cách đó, họ đã phải đi sớm, đúng giờ, kỷ luật, cam kết với mọi người. Và thường những người này sẽ là người bán hàng rất giỏi.

Và điều đó khiến cho ông rất quán triệt trong quan điểm kinh doanh: “nuôi trồng” chứ không phải “săn bắn”?

Đúng vậy! Một trong những triết lý đầu tiên của BNI là “Cho là nhận”, thứ hai là “Nuôi trồng không săn bắn”. Mặc dù BNI là nơi mọi người giúp nhau mở rộng mối quan hệ, giúp nhau bán hàng nhưng không phải là “bán xổi, mua thì” mà đến đây để cùng chăm sóc mối quan hệ bằng những hành vi, hành động, lời nói... Hãy để họ biết, tin và thích mình thì người ta sẽ đi bán hàng cho mình.

Tôi thấy những người thành công bao giờ họ cũng có “sự khác biệt”. Ông nhìn nhận thế nào về ba chữ “sự -khác -biệt” tưởng chừng rất đơn giản này?

Làm ăn bây giờ buộc tất cả các ngành nghề đều phải xác định cho mình sự khác biệt. Muốn có sự khác biệt trước tiên họ phải nhìn lại chính bản thân, giá trị của đời mình là gì! Thành lập công ty phải biết phát triển con người chứ không phải là phát triển doanh nghiệp. Nhiều người mở công ty ra, họ quan niệm bằng mọi cách phải phát triển doanh số nhưng họ quên mất sự phát triển con người. Ở BNI, chúng tôi có cách giúp cho mọi người tìm kiếm sự khác biệt của mình.

Bán hàng không hưởng... hoa hồng

Theo những gì ông chia sẻ thì với thời buổi kinh tế hiện nay, gia nhập BNI là giải pháp thông minh cho các doanh nghiệp?

Không sai. Chứng minh trên toàn thế giới, khi kinh tế càng khó khăn thì doanh nghiệp gia nhập BNI càng nhiều hơn. Lý do, khi gia nhập, doanh nghiệp sẽ cắt giảm hết mọi chi phí quảng cáo để tập trung vốn giúp xây dựng mối quan hệ. Như tôi đã nói, khi tham gia BNI, họ “nuôi trồng” mối quan hệ bằng việc truyền miệng. Và mọi người cũng biết, truyền thông qua hình thức truyền miệng thường được thực hiện từ đáy lòng dẫn đến việc giúp nhau mà không... tốn tiền. Trong BNI gọi là bán hàng không hưởng hoa hồng.

Mô hình hoạt động của BNI là tiếp thị, giới thiệu và kết nối. Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của BNI Việt Nam so với các quốc gia châu Á khác?

Tại châu Á, Nhật Bản là một trong số những nước rất thành công. Độ cam kết của họ vô cùng tốt. Kế đến là Ấn Độ. Còn Việt Nam so với các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… thì Việt Nam có tiêu chuẩn đầu vào cao hơn nên chất lượng cũng tốt hơn. Khi các doanh nghiệp bước vào BNI thì không phân biệt “chiếu trên” hay “chiếu dưới” gì cả. Tất cả được quyết định bởi sự uy tín, chất lượng sản phẩm, giá cả, đặc biệt là thái độ. Nó được đo lường cụ thể nhất qua sự cam kết “nói và làm” của từng người trong BNI. Nếu doanh nghiệp lớn đến BNI với thái độ “không đúng” thì cũng không được gia nhập khi kiểm tra đầu vào, khá hơn thì họ chỉ sẽ là khách mời, khách hàng quý mến của chapter.

Nếu để ông chia sẻ một con số ấn tượng của BNI, ông sẽ thống kê con số nào?

Đó là doanh thu 950 tỷ đồng và hơn 930 doanh nghiệp tham gia vào BNI trong năm qua. Mục tiêu năm 2013 của chúng tôi là doanh thu 1.200 tỷ và số lượng thành viên là 1.700 thành viên. Chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng nhiều mối quan hệ tốt hơn trên cả nước khoảng 14 tỉnh thành. Trong tháng 8/2013, chúng tôi sẽ chuẩn bị một sự kiện “Hội ngộ đỉnh cao” thường niên giữa các doanh nhân của BNI trên cả nước tại Đà Nẵng. Đây là cơ hội để mọi người đến giao lưu, chia sẻ các kinh nghiệm, mối quan hệ, học thêm những kỹ năng cần thiết. Họ sẽ có thêm những người bạn xuyên các tỉnh thành và những mối quan hệ này sẽ phát triển rộng hơn, sâu hơn, đồng thời cơ hội kinh doanh cũng cao hơn.

“Hôm nay mình sẽ mang lại giá trị gì? Cho ai?”

Trải qua hơn ba năm hoạt động trong BNI, cái được và cái mất lớn nhất của ông là gì trên phương diện cá nhân?

Tôi được nhiều người biết đến hơn. Bản thân đã được công nhận là người thể hiện được sự đam mê lớn lao và đã mang hệ thống kết nối chất lượng về Việt Nam. Đó là niềm vui lớn nhất. Còn cái mất của tôi cũng không ít. Trong những năm đầu, gia đình rất “băn khoăn” về việc tôi thường xuyên “ở ngoài” và tốn rất nhiều thời gian cho công việc mà dường như “bỏ bê” họ. Thật ra, tôi là người hơi tham công tiếc việc. Ngay cả khi tập thể dục hay chạy bộ trên máy tôi vẫn tranh thủ nghe hay xem bài vở của BNI.

Tôi rất đồng tình với triết lý “vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất”. Ông có thấy thế?

Có thể! Bản thân tôi, mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi thường tự hỏi hôm nay mình sẽ làm gì đây, mang lại giá trị gì cho ai? Sau đó sẽ dành 15-20 phút để đọc sách rồi đi làm.

Cuối cùng, ông có sự chia sẻ nào để các doanh nghiệp đang hướng tới mô hình và giải pháp BNI?

BNI đã được chứng minh trên hơn 54 quốc gia. Tôi nghĩ với tất cả các anh em doanh nhân hãy thể hiện được sự cam kết của mình và xây dựng một cộng đồng doanh nhân Việt Nam với những con người làm ăn uy tín, cam kết cao và có độ phủ sản phẩm, dịch vụ toàn cầu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguồn tin: www.thegioidanong.net



Vân Trần, sinh viên tốt nghiệp Đại học Oxford, đã bỏ việc tại một ngân hàng danh tiếng ở London để mở chuỗi nhà hàng bánh mì đặc trưng Việt Nam.

Lúc ở Hà Nội, sáng sớm nào Vân cũng cùng mẹ đi chợ. Khi du học tại Anh, có dịp đến thăm khu chợ Broadway nổi tiếng về ẩm thực ở phía đông London, Vân cảm nhận được sự thân thương và quen thuộc của một phiên chợ Việt Nam. “Mọi thứ ngoài chợ đều rất tươi ngon, có nhiều gian hàng bán đủ loại món ăn, nhưng tuyệt nhiên không có đồ ăn Việt Nam. Vậy là tôi nảy ra ý định kinh doanh", Vân chia sẻ.

Tuy nhiên, thật khó chọn ra món ngon nhất của Việt Nam để trở thành thế mạnh vì phở dường như đã quá phổ biến ở các khu người Việt trên toàn thế giới. Sau khi suy tính, cô gái trẻ quyết định chọn bánh mì vì nó là "một ổ bánh hài hoà với vẻ ngoài rất Tây, bên trong rất ta”.

Vân Trần đã bỏ việc ngân hàng danh giá ở London để kinh doanh bánh mì.

Năm 2008, Vân cùng người bạn đồng sáng lập Thùy Anh nghiên cứu và tiếp cận khẩu vị người dân địa phương với một gian hàng nhỏ bán bánh mì tại khu chợ Broadway. Trong 3 năm, họ làm bánh mì ở nhà và dùng xe đạp chở tới chợ phiên vào mỗi thứ Bảy hàng tuần. Để quyết tâm dồn hết tâm sức cho dự án của mình, khi đang làm việc cho một ngân hàng danh tiếng ở London, Vân vẫn quyết định từ bỏ.

“Chuyển đổi từ một nhân viên ngân hàng sang làm riêng trong ngành ẩm thực là sự thay đổi một trời một vực. Từ một công việc khá an toàn với rất ít sự cố, hàng ngày đi làm vào 9h sáng và ngồi trước máy tính, tới một môi trường mà mình phải làm chủ tất cả những quyết định của mình và không có ai chỉ đường vạch lối”, Vân chia sẻ.

Năm 2011, hai cô bạn người Việt đã khai trương cửa hàng bánh mì Việt Nam đầu tiên tại London mang tên Bánh mì 11 và đến nay đã mở rộng với chuỗi 3 cửa hàng và một nhà hàng mang tên Bếp Haus ở London. Ngoài ra, Vân còn có dịch vụ cung cấp thức ăn cho các sự kiện với sản phẩm Việt Nam như gia vị, các loại nước sốt, café, chocolate…

Khoảng thời gian đầu gây dựng cửa hàng Bánh mì 11, nữ cử nhân Đại học Oxford cho biết gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc nghiên cứu, thử nghiệm công thức món ăn sao cho không làm mất đi khẩu vị đậm đà của đồ ăn Việt mà vẫn làm hài lòng vị giác của khách Tây. Thứ hai là tìm vị trí cửa hàng thuận lợi trong khi mặt bằng ở London đắt đỏ và thị trường cạnh tranh cao. Tiếp đó là phục vụ làm sao để những khách hàng London khó tính hài lòng. Cuối cùng, Vân tuyển nhân viên không giới hạn quốc tịch, vùng miền và chú trọng vào huấn luyện họ hiểu rõ nguồn gốc đồ ăn Việt, văn hóa Á Đông.

"Một cô nhân viên người gốc Đan Mạch thắc mắc với tôi vì sao đồ ăn Việt Nam cái gì cũng phải cắt nhỏ. Khi đó tôi cười ồ lên giải thích vì thói quen người Việt khi ăn không dùng dao, nĩa mà dùng đũa. Nên đa phần thức ăn đều được cắt nhỏ vừa ăn để dễ gắp", Vân kể.

Nhưng hành trình chinh phục thực khách London không đơn giản vì tiêu chuẩn của họ rất cao. Chính vì thế, Vân phải chăm chút mọi thứ thật chỉn chu trong mọi quy trình. Cô đã phải bỏ công về Việt Nam đến tận làng nghề gốm truyền thống đặt từng chiếc bát cho món phở, hay từng chiếc đĩa cho món bánh mì. Để có đồng phục ưng ý, Vân chọn lựa nhà cung cấp vải phù hợp, chất lượng tốt và nhìn vệ sinh nhất.

“Vệ sinh là tiêu chuẩn hàng đầu. Chúng tôi không phục vụ các món chiên xào hay nhiều dầu mỡ. Sản phẩm phải tự nhiên, được sản xuất với quy trình khép kín. Kế tiếp là phục vụ chuyên nghiệp. Người London luôn bận rộn, hối hả nên chỉ có 20-30 phút cho bữa trưa. Chính vì thế để bớt nhàm chán với những đồ ăn nhanh của Tây, họ tìm đến các nhà hàng đặc sản để thay đổi khẩu vị, đồng nghĩa với việc phục vụ phải nhanh và chuẩn xác”, Vân khẳng định.

Bánh mì Việt Nam là món ăn được nhiều thực khách quốc tế yêu thích.

Chọn hướng đi với mục tiêu khách hàng là người London, Vân nghiên cứu kỹ địa điểm và không chọn mặt bằng trong khu người Việt hay nhà hàng Việt Nam, mà chọn khu Old Street, Elm Street, Bank…- những con đường có nhiều nhân viên văn phòng qua lại.

Hiện sản phẩm bán chạy nhất của cửa hàng là bánh mì nóng giòn với sản lượng hàng trăm cái, giá 5-6 bảng Anh (gần 200.000 đồng một ổ). Bên cạnh đó, những món ăn với đồ nóng như cơm, bún được thực khách rất yêu thích. Mỗi năm sản lượng bán ra tăng 300%. Vì khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng nên thời điểm buổi trưa quán bận rộn nhất. Trong tuần thì thứ Năm, thứ Sáu là đông khách hơn cả vì thời điểm đó, người dân từ mọi nơi ở London kéo đến khu phố như Old Street để đi chơi, ăn uống, gặp gỡ.

“Đa phần đồ ăn Việt khi sang nước người đều bị 'lai', nhưng tôi muốn giữ hương vị chính thống. Bánh mì Việt Nam khác hẳn với những loại sandwich khác. Chỉ một ổ bánh nhưng bao hàm nhiều hương vị của một bữa cơm Việt như thịt nướng, dưa leo, cà rốt, chua ngọt, ngò rí thơm, ớt cay, Paté, mayonnaise…”, Vân chia sẻ.

Nhờ tận dụng và truyền đạt những văn hóa ẩm thực Việt Nam, chuỗi nhà hàng của Vân đã thu hút được sự quan tâm từ truyền thông quốc tế. Vân đã đạt được danh hiệu “Young British Foodie” bởi The Guardian và xuất hiện trên truyền hình với Nigel Slater và Jamie Oliver. Ngoài ra, Vân và Thùy Anh còn là đồng tác giả cuốn sách The Vietnam Cookbook chia sẻ những câu chuyện về ẩm thực Việt Nam. Ấn phẩm này được bán tại Anh và Mỹ, nhận được sự phản hồi tốt từ độc giả. Ngoài thị trường offline, Bánh mì 11 cũng phát triển mảng online (thông qua Facebook, Twitter, Instagram…) và website cập nhật những hoạt động cũng như truyền tải văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, website còn cung cấp thông tin hướng dẫn ẩm thực Việt Nam dành cho khách hàng có dịp đến đây du lịch.

Vân đang sở hữu chuỗi 3 cửa hàng mang tên Bánh mì 11 ở London.

Khi Bánh mì 11 của Vân thành công thì gặp ngay sự cạnh tranh, bắt chước từ một làn sóng kinh doanh bánh mì ở London. Với tầm nhìn của mình, Vân từng bước gây dựng dự án lớn mang tên Bếp Collevtive là chuỗi kinh doanh bao gồm Bánh mì 11, Bếp Haus, Bếp Social, Bếp Event & Cartering, The Vietnamese Market cookbook. Trong tương lai, Bếp Haus sẽ mở rộng chi nhánh ra ngoài London. Ngoài ra, cô còn đẩy mạnh kế hoạch của dự án Bếp Grocery để mang nền ẩm thực Việt Nam gần gũi đến với thế giới.

“Người Việt ướp thịt rất lâu trước khi nấu; người Việt ăn theo mùa; người Việt ngày nào cũng đi chợ và ăn thức ăn của ngày hôm đó. Khi các vị khách hiểu được những giá trị đó, họ sẽ cảm nhận được ẩm thực Việt Nam khác ẩm thực các quốc gia khác như thế nào, và họ rất thích", Vân giải thích sức hấp dẫn của món ăn đặc trưng của Việt Nam đã chinh phục thực khách Anh ra sao.

Cô cho biết, để muốn mọi người biết đến từ “Bánh mì” trong từ vựng của họ, Vân đã không thay thế cái tên truyền thống đó bằng bất cứ từ gì khác khi tiếp cận người Anh. Hiện "Bánh mì" đã có trong từ điển Oxford và American Heritage.

Nói về lợi thế của người Việt Nam khi lập nghiệp ở nước ngoài, Vân cho rằng nhờ tính cởi mở, cần cù, chăm chỉ. “Doanh nghiệp Việt quảng bá hình ảnh ra thế giới có sự giúp sức rất lớn từ nền văn hóa và lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, người Việt đôi khi chủ quan và thiếu sáng tạo trong kinh doanh. Hình thức 'mua có phường, bán có hội' làm cho người Việt hay bắt chước, làm mọi thứ giống nhau”, Vân bộc bạch.

Trần Bé









Bùi Xuân Thoa là cái tên gắn liền với thương hiệu Vinacafé Biên Hòa từ những ngày đầu, được ví như “linh hồn” của thương hiệu này. Qua tuổi 60, kết thúc nhiệm vụ ở Vinacafé Biên Hòa, ông cùng một số người bạn thành lập Công ty cổ phần thực phẩm Bililux (TP. Biên Hòa), chuyên sản xuất các loại bột ngũ cốc dinh dưỡng và cà phê rang xay với ấp ủ xây dựng một thương hiệu cà phê sạch của riêng mình.



* Bắt đầu ở tuổi về hưu

“Tôi lập doanh nghiệp vì được lao động là niềm vui, và tôi muốn tiếp tục cống hiến theo cách của mình”- ông Bùi Xuân Thoa, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Biên Hòa, chia sẻ.

Năm 2010, ông về hưu ở cương vị tổng giám đốc, sau gần 30 năm gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của Vinacafé Biên Hòa. Ông chia sẻ: “Cả đời tôi đã gắn với cà phê. Khi nghỉ hưu, tôi mở doanh nghiệp tư nhân cũng chọn lĩnh vực mình am hiểu nhất là bột ngũ cốc dinh dưỡng và cà phê”. Năm 2012, Công ty cổ phần thực phẩm Bililux được thành lập.

“Tuy kinh nghiệm về sản xuất, quản lý, phát triển thị trường không thiếu, nhưng khi làm chủ một doanh nghiệp tư nhân, tôi phải tự tay thực hiện từ việc nhỏ đến việc lớn. Tôi vốn là người ở nông thôn bước ra nên không ngại việc gì. Bạn bè vẫn nói, tội gì phải lặn lội ở độ tuổi này, nhưng tôi không quá đắn đo, chỉ đơn giản còn sức thì mình cứ hết lòng với công việc” - ông Thoa nói.

Thời gian đầu, doanh nghiệp chỉ giới thiệu ra thị trường dòng sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng nhưng vẫn gây được dấu ấn nhờ “đặc sản” bột ngũ cốc cà phê. Vì theo ông Thoa: “Tôi không chọn cách giới thiệu ra thị trường một cách ồ ạt mà có chọn lọc, theo hướng ít sản phẩm nhưng đó phải là sản phẩm tạo được sự khác biệt”. Chính vì vậy, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng sản phẩm bột ngũ cốc cà phê được thị trường rất chuộng vì hương vị lạ, không đụng hàng. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ rất tốt tại hệ thống siêu thị Co.opMart và các cửa hàng bán sỉ, lẻ ở nhiều tỉnh, thành.

* Giấc mơ cà phê sạch
Chất lượng, an toàn thực phẩm luôn được coi trọng hàng đầu là tâm niệm cả đời ông trong ngành sản xuất thực phẩm. Vì đây là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trên sức khỏe con người.

“Khi thành lập công ty, chúng tôi quyết định đi từng bước vững chắc với mục tiêu xây dựng được thương hiệu về dòng thực phẩm sạch, tự nhiên. Chúng tôi đăng ký nhãn hàng của mình là cà phê ARRA (Art of Real Aroma) với ý nghĩa đây là “bức tranh của những hương vị tự nhiên” với thành phần là 100% cà phê, không hương liệu, không tẩm ướp” - ông Thoa cho biết.

Trên bao bì sản phẩm, khách hàng được cung cấp thông tin rõ ràng, chi tiết để người dùng biết rõ sản phẩm này được chế biến từ những giống cà phê nào, nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ pha trộn với hướng dẫn chi tiết cách pha chế để có được tách cà phê thơm ngon. Theo ông, nông dân Việt Nam trồng được những giống cà phê ngon nổi tiếng thế giới, nhưng hiện nay Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu mặt hàng này dưới dạng sản phẩm thô. Tình trạng vàng thau lẫn lộn của thị trường cà phê ảnh hưởng không ít đến thương hiệu cà phê Việt. “Tôi chỉ mong góp thêm vào thị trường những sản phẩm cà phê sạch, chất lượng tốt để người tiêu dùng chọn lựa, góp phần đưa cà phê Việt Nam về giá trị thật mà nó vốn có”- vị doanh nhân cả đời gắn với nghiệp sản xuất cà phê chia sẻ.

Bình Nguyên



Đặt tên cho một công ty hay một sản phẩm là một điều hết sức khó khăn cho các nhà kinh doanh. Rất nhiều sản phẩm và công ty có tên gọi thu hút được cảm tình trong khi có những cái tên lại làm cho người khác hoang mang.
Có những cái tên tưởng rằng thành công nhưng lại thất bại và những cái tên nghe có vẻ như rất hoàn hảo thì lại vô cùng lạc lõng.

Vậy các doanh nghiệp tự tìm kiếm một cái tên hoàn hảo cho công ty, sản phẩm hay thương hiệu của mình như thế nào?



Các nhà marketing khuyên rằng chúng ta hãy thử tìm kiếm một cái tên hoàn hảo cùng với hai nguyên tắc: Tên gọi phù hợp với ngành kinh doanh hay sản phẩm và cố ý làm cho người khác suy nghĩ tò mò để tìm hiểu.

Tên gọi phù hợp với ngành kinh doanh và sản phẩm:

Đây là cách đặt tên thông thường nhất mà bạn có thể sử dụng, những tên thương hiệu như vậy giúp cho khách hàng dễ dàng biết đến sản phẩm, dịch vụ của bạn. Hãy thử xem xét một ví dụ nói về cách đặt tên của doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị điều khiển trò chơi điện tử: có hai tên gọi hoàn toàn phù hợp với sản phẩm của chúng là PlayStation và Xbox trong khi một tên gọi khác là Nintendo lại hoàn toàn chẳng có liên quan gì cả. Còn về các khách sạn thì sao? Rất nhiều trong số đó đều có chữ “Inn” (khách sạn) hay “Suites” (những căn hộ) kèm theo. Christine Pilch, cộng tác viên của Hiệp hội Thương hiệu cho rằng: tạo ra một cái tên đúng nghĩa sẽ đem lại một lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Tuy vậy Mary Bowling, thành viên của đội ngũ quảng cáo của Blizzard, khuyên bạn không nên dùng các tên “quá thông minh”, đặc biệt là dùng trong kinh doanh.



Đừng đặt tên quá khôn khéo, tên bạn chọn nên thể hiện những điều bạn cần thể hiện đối với khách hàng của mình. Nếu bạn đặt đúng tên, sẽ giúp cho khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tiềm năng của bạn biết đến vị trí của bạn. Ví dụ: “cao bồi và máy móc” - rất khôn khéo, nhưng bạn có biết họ kinh doanh gì qua cái tên này không ? “Sửa xe hơi di động Denver” nghe không có gì ấn tượng, nhưng chỉ cho khách hàng biết được công ty này làm gì và ở đâu.

Những cái tên rõ ràng sẽ làm cho công việc tiếp thị của bạn dễ dàng hơn nhiều. Nên trước khi nghĩ ra một cái tên như vậy, bản thân doanh nghiệp nên xác định cho mình được khách hàng của mình là ai (khách hàng đang sử dụng cũng như khách hàng tiềm năng), họ cần gì và khả năng đáp ứng của mình như thế nào, đây là một bước cực kỳ quan trọng quyết định đến sự thành công của cái tên đó.

Cố ý cho người khác tò mò và tìm hiểu về cái tên của bạn

Tạo ra một cái tên đúng nghĩa sẽ đem lại một lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Dưới đây là những kinh nghiệm của các chuyên gia về marketing, họ muốn chia sẻ cùng với bạn trong việc làm thế nào để đặt một tên thương hiệu mà bao hàm được đầy đủ ý nghĩa và đặc biệt là tạo ra cảm giác tò mò cho người đọc.

Patti Norris khuyên mọi người: đây là một quá trình quan trọng quyết định đến sự thành công cho cái tên mà bạn chọn, vì vậy đừng nên làm một mình.

Trừ khi bạn có một chi phí quảng cáo khổng lồ chỉ để đầu tư cho cái tên thông minh (Yahoo, Google và Ipod). Còn không có lẽ cách dễ nhất là bạn chọn những điểm then chốt của sản phẩm hay công ty, rồi cùng ngồi bàn luận với những người biết rõ về sản phẩm và công ty bạn (đặc biệt từ những minh chứng rõ ràng nhất của khách hàng hay người tiêu dùng), ghi nhận lại tất cả các đóng góp, ý tưởng đó.

Nia Carter, chủ tịch của công ty truyền thông tiếp thị thế giới cho tiến hành phỏng vấn nhiều người từ đội ngũ giáo sư thương mại, các chuyên gia phát triển kinh doanh, nhân viên tiếp thị cho đến những người bạn chưa hề biết đến với kinh doanh với tiếp thị.

Chúng tôi tập hợp từng nhóm người vào từng phòng riêng (giáo sư thương mại vào một phòng, các nhân viên tiếp thị vào một phòng, những chuyên gia được vào một phòng…). Sau khi giải thích những điều tôi muốn sản phẩm mình mang lại cho khách hàng, mỗi người tại các nhóm đó sẽ đặt một cái tên, tiếp theo chúng tôi tổng hợp danh sách các tên đó và tiến hành bầu chọn. Với mỗi một cái tên chúng tôi tiến hành kiểm tra ý nghĩa tích cực và tiêu cực (về giá trị quan hệ cộng đồng quảng cáo tốt, làm vì các sự kiện ..v..v.) của nó. Cuối cùng, dựa trên nghiên cứu đó kết hợp với việc chúng tôi cũng tiến hành đặt tên è cho ra một cái tên cuối cùng.



Những người tiếp thị chuyên nghiệp trước tiên phải tìm hiểu liệu cái tên sẽ gây ra tiếng vang như thế nào đối với khách hàng của mình. Thứ nhì là cần xác định cái tên có phù hợp với thông điệp của sản phẩm, định hướng của tổ chức (ví dụ nhân viên yêu thích sản phẩm đó, họ sẽ bán với giá hữu nghị) hay không. Thứ ba là cái tên phải có tính độc quyền nhưng dễ hiểu và dễ phát âm, có giá trị văn hóa với các ngôn ngữ khác.

Cuối cùng, tên phải được bảo vệ pháp lý. Tên tốt nhất là nên có xu hướng trở thành động từ, khách hàng thích như thế. Ví dụ: “googling”, “fedexing” – cái tên trở thành một phần trong công việc chúng ta làm hằng ngày. Họ sẽ đồng tình với sự liên tưởng cảm xúc. Đặt tên là chiến lược chủ quan cao và quá trình đạt được một cái tên hay là chuyện nói dễ hơn làm.

Dù bạn có dùng những phương pháp chuyên nghiệp gì đi nữa để đặt tên cho mình, thì cũng phải nhờ rằng: mỗi một cái tên như vậy cũng có nội dung và ý nghĩa của nó. Bạn phải đảm bảo rằng thông điệp của sản phẩm hay là định hướng của công ty bạn sẽ thể hiện được ý nghĩa của cái tên đó.

Theo: Cao Cẩm My
Nguồn: Lanta Brand









Tăng lương, thăng chức là những điều mà bất cứ một người đi làm thuê (tức không phải chủ một doanh nghiệp) nào cũng đều mong muốn. Nhưng hiển nhiên là trong bất cứ một tổ chức nào thì vị trí quản lý cũng ít hơn nhân viên. Vì vậy, nếu muốn tham gia "cuộc đua" này, bạn cần có cả "thiên thời" lẫn "địa lợi".

"Thiên thời" là những yếu tố khách quan, bạn sẽ khó thể kiểm soát. Nhưng bạn hoàn toàn có thể rèn luyện và tích lũy để có được những yếu tố mang tính lợi thế tự thân, như một thứ "vốn" giúp bạn bước nhanh hơn về phía trước khi gặp "thiên thời".

Chia sẻ kinh nghiệm của mình về điều này, Hiroshi Mikitani - CEO hãng thương mại điện tử Rakuten đã có bài viết đăng trên mạng việc làm LinkedIn. Ông viết:

Nhiều người làm công việc chuyên môn của mình ngày này qua tháng nọ, cần mẫn và chăm chỉ, nhưng không hề nhìn thấy cơ hội được thăng chức.



Tôi biết câu trả lời.

Theo kinh nghiệm của tôi, một cá nhân cần phải có ba đặc điểm quan trọng để thành công và tiến về phía trước. Đó là:
Tư duy

Điều này có thể được định nghĩa cách khác là tham vọng hoặc nghị lực. Đó là nguồn động lực bên trong của bạn. Để được thăng chức, bạn phải có tư duy để thành công ở cấp độ tiếp theo trong sự nghiệp của mình. Trong thực tế, việc có những suy nghĩ đúng đắn sẽ giúp bạn thành công trong cuộc sống.

Kỹ năng

Hãy luôn luôn dành thời gian để phát triển hơn nữa những kỹ năng tốt cho sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

Đây là những điều bạn có thể rèn luyện để có được. Chúng có thể là những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý, kỹ năng toán học. Ngay cả khả năng tự quản lý bản thân cũng có thể được xem là một kỹ năng.

Để được thăng chức, bạn phải chứng minh được mình có những kỹ năng cần thiết để thành công ở cấp độ tiếp theo. Hãy luôn luôn dành thời gian để phát triển hơn nữa những kỹ năng tốt cho sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

Kiến thức

Đây là thứ khác với kỹ năng, nó không phải những gì bạn có thể làm hay có được ngày một ngày hai, nhưng là thứ bạn hiểu được. Làm thế nào để bạn hiểu được công ty của mình, hoạt động kinh doanh, thị trường toàn cầu? Kiến thức nào bạn có được khiến bạn trở nên tuyệt vời trong công việc của mình?... Đây là một yếu tố quan trọng mà những nhà quản lý sẽ quan tâm khi họ xem xét một ứng cử viên cho việc khen thưởng, thăng chức.

Hãy luôn học, đọc sách và học hỏi. Điều này sẽ giúp bạn phát triển để trở thành một nhân viên tiềm năng.



Một số cá nhân có cả ba đặc điểm. Nhưng đôi khi chỉ mới có một hoặc hai đặc điểm, bạn vẫn được cất nhắc, nếu nhà lãnh đạo nhìn thấy bạn có tiềm năng để bồi đắp thêm.

Nếu bạn cũng đang đặt cho mình câu hỏi tại sao chưa được thăng chức, hãy tự hỏi: Đâu là điểm mà mình đang còn thiếu trong 3 điều trên?

Bây giờ là lúc bạn nhìn vào danh sách trên và xác định lỗ hổng còn thiếu của mình.

Và nếu bạn đã có đủ những điều trên mà chưa được thăng chức, hãy đi theo con đường của tôi và bắt đầu sự nghiệp của riêng bạn.

Theo: Kim Ngọc
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn









Mẫu xe đạp M55 Terminus Gold Edition, sản xuất thủ công, số lượng giới hạn với khung xe mạ vàng óng ánh có mức giá tới 55.000 USD, tương đương 1,2 tỷ đồng.

Xuất hiện lần lần tại triển lãm nhà giàu Top Marques Monaco 2011, M55 tạo sự bất ngờ khi ngoại hình trông giống một chiếc xe đạp. Tuy nhiên, xe lại được gắn mô-tơ điện công suất 750W, có khả năng chạy liên tục trên quãng đường 44 km mà người lái không cần đạp, với vận tốc tối đa lên đến 77 km/h.

Màn hình điện tử ở ghi-đông sẽ cung cấp các thông số quãng đường, tốc độ xe chạy, hệ thống cài đặt chế độ vận hành xe kết hợp với động cơ điện đảm bảo hỗ trợ cho người sử dụng như chế độ thông thường hay chế độ tiết kiệm ECO.



Xe được chính tay hoàng tử Monaco Albert II thiết kế, sản xuất thủ công tại Hungary. Toàn bộ phần khung sườn, nhông đĩa, một phần vỏ bọc động cơ được thiết kế trên máy tính, sau đó các khối nhôm được máy cắt CNC tạo hình, nên tổng trọng lượng xe chỉ dừng ở mức 33 kg.

Ở phiên bản M55 Terminus Gold Edition, nhà sản xuất đã tạo sực độc đáo và khác biệt với bản thường nhờ khung xe và chắn bùn trước, sau được mạ vàng. Ngoài ra, các chi tiết như yên xe, tay thắng, nhông-dĩa, đùm xe đều lắp các phụ kiện hàng hiệu màng vàng nổi bật.

Khách mua xe phải đặt hàng và thanh toán trước. Nhà sản xuất sẽ chọn cho khách hàng một con số may mắn tùy theo quan niệm mỗi nơi, khách phải đợi từ 12 - 18 tháng sau nhà sản xuất mới giao hàng.

Để xứng tầm đẳng cấp, mức giá của M55 Terminus Gold Edition cũng không hề thấp. Bạn phải bỏ ra số tiền 55.000 USD, tương đương 1,2 tỷ đồng để sở hữu tuyệt tác này.

Hình ảnh chi tiết M55 Terminus Gold Edition giá 1,2 tỷ đồng.























Theo Hải Bình - Cafeauto

Trong chừng 10 năm qua, việc sử dụng xe đạp bùng nổ trở lại nhờ chất liệu ngày càng trở nên bền hơn, nhẹ hơn, tạo nên những sản phẩm tốt, an toàn và tiện dụng hơn, chưa kể tính hiệu quả của xe đạp điện.
Earth Policy Institute, nhóm chuyên bảo vệ môi trường có trụ sở chính tại Hoa Kỳ nói sản lượng xe đạp đã tăng gấp bốn lần tính từ 1950 tới 2007. Cùng thời gian này, sản lượng xe hơi chỉ tăng khoảng gấp đôi.

Theo BBC News, trong chừng 10 năm qua, việc sử dụng xe đạp bùng nổ trở lại nhờ chất liệu ngày càng trở nên bền hơn, nhẹ hơn, tạo nên những sản phẩm tốt, an toàn và tiện dụng hơn, chưa kể tính hiệu quả của xe đạp điện.

Xe đạp cũng ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn và được kết hợp công nghệ tiên tiến hơn.

Xin giới thiệu với các bạn 10 mẫu xe thú vị nhất dưới đây:

1. BSG Wood.b Duomatic


Xuất xứ: Pháp

Chi tiết: Nhà sản xuất xe đạp Pháp BSG's Wood.b sử dụng các bộ phận bằng kim loại lắp ráp với khung, sườn làm từ ván ép từ tro. Sản phẩm sau khi hoàn tất với từng chi tiết đắt giá trông giống một tác phẩm nghệ thuật hơn là một phương tiện đi lại. Các bạn yên tâm, khung xe BSG cực bền, và các bộ phận được tráng nhôm khiến chiếc xe chỉ nặng khoảng 16kg.

Giá: 3.190 euro (khoảng 4.230 đô la Mỹ)

2. Pashley Parabike

Xuất xứ: Anh



Chi tiết: Nhà sản xuất Pashley, vốn ra đời từ thời Vua George V, là nhãn hiệu nổi tiếng với các dòng xe mang phong cách cổ điển đặc trưng kiểu Anh với yên xe lò xo hiệu Brooks và chuông xe kêu tính toong cùng giỏ đựng hàng đan bằng liễu gai. Xe Parabike mới của Pashley tuy nhiên không cực kỳ trang nhã tinh tế như các đời xe trước.

Chiếc xe gợi nhớ loại xe hai bánh thời Đại chiến Thế giới II có tên gọi xe đạp Airborne mà lính dù Anh đưa vào vùng Pháp bị phát xít chiếm đóng. Xe Pashley tuy không được thiết kế theo tư duy lính dù với cấu trúc khung xe gấp gọn lại được để mang bên mình được, nhưng vẻ đẹp của khung xe với những đoạn ống cong vừa gợi nhớ quá khứ vừa hướng tới tương lai.

Giá: 545 bảng Anh (khoảng 900 đô la Mỹ)

3. Vanmoof S Series


Xuất xứ: Hà Lan



Chi tiết: Nhà sản xuất Vanmoof của Hà Lan đã chinh phục được các thủ đô lớn trên thế giới kể từ 2009 và chiếm được trái tim người dùng. Xe làm bằng các chất liệu bền và nhấn mạnh tính cách thủng thỉnh của người Hà Lan.

Xe đi làm hàng ngày dòng S Series được thiết kế theo phong cách đơn giản, không rườm rà. Bộ số ẩn Shimano tám cấp (bộ líp tám tầng) giúp người đi dễ dàng đạp xe lên đồi, trong lúc phanh đĩa giúp dừng xe nhanh chóng và an toàn hơn so với các loại xe trong thành phố khác có thiết kế phức tạp hơn và đắt giá hơn nhiều.

Giá: 1.048 đô la (model S3, bánh 28in)

4. Donky Bike

Xuất xứ: Anh quốc



Chi tiết: Xe có vẻ đẹp phi truyền thống, và nổi bật về độ khỏe, đơn giản và dễ điều khiển trong thành thị nhờ có gắn các dây cảm ứng. Được đề cử tranh giải Thiết kế của Năm của Bảo tàng Thiết kế Kiểu dáng London, xe được lấy cảm hứng từ dòng xe thể thao địa hình và trình diễn BMX, với bánh xe cỡ 20 inch rất chắc chắn và khung xe to đậm được cắt đôi bằng một ống thép chịu lực để đỡ các giá đựng đồ phía trước và phía sau.

Khác với các loại xe chở hàng truyền thống thường dài từ 2,4 mét trở lên, Donky gọn gàng và có thể dựng ngay trong hành lang của căn hộ thành phố điển hình.

Giá: 499 bảng (khoảng 830 đô la Mỹ)

5. Viks Steel Urban


Xuất xứ: Estonia

Chi tiết: Chỉ có một tốc độ (líp một tầng) và giảm thiểu mọi chi tiết, xe của Velonia, xưởng sản xuất do Indrek Narusk thành lập và điều hành, có một đoạn ống nhỏ nhô lên ở vị trí đặt yên. Xe Viks trông thời trang một cách trừu tượng với khung xe chỉ gồm hai ống thép gắn với nhau ở phần bên dưới ghi-đông.

Trong hình là chiếc xe được sơn màu "Cam Lamborghini". Viks có thể được xếp vào loại xe chỉ có một tốc độ cũng được, mà là loại xe líp thường cũng được. Tuy nhiên, nhà sản xuất Nausk cảnh báo rằng tay phanh hơi khó gắn trên ghi-đông vì ống thép ở đây có đường kính hơi lạc cỡ, 30mm. Tốt nhất là đi xe không phanh.

Giá: Tùy vào yêu cầu đặt hàng cụ thể.

6. GreenChamp Orgininal


Xuất xứ: Nhật Bản

Chi tiết: Là nhà cung cấp xe cho đội đua quốc gia Nhật Bản trong kỳ Olympics 1968 tại Mexico City, hãng Cherubim đầy kiêu hãnh và tự hào. Mẫu khung xe bằng thép trước kia nay được Shinichi Konno, con trai của nhà sáng lập công ty là Hitoshi Konno, tiếp tục phát triển.

Kiểu dáng thiết kế khiến người đi ngồi hơi lui về sau, HummingBird bỏ qua ống trụ truyền thống và đặt yên xe nằm chênh vênh ngay trên bánh sau. Có lẽ Shinichi không quan tâm tới vinh quang Olympics mà chú trọng tới việc đưa ra sản phẩm có kiểu dáng được đánh giá rộng rãi là thuộc hàng đẹp nhất thế giới.

Giá: chưa có.

7. Faraday Porteur


Xuất xứ: Nhật Bản

Chi tiết: Là nhà cung cấp xe cho đội đua quốc gia Nhật Bản trong kỳ Olympics 1968 tại Mexico City, hãng Cherubim đầy kiêu hãnh và tự hào. Mẫu khung xe bằng thép trước kia nay được Shinichi Konno, con trai của nhà sáng lập công ty là Hitoshi Konno, tiếp tục phát triển.

Kiểu dáng thiết kế khiến người đi ngồi hơi lui về sau, HummingBird bỏ qua ống trụ truyền thống và đặt yên xe nằm chênh vênh ngay trên bánh sau. Có lẽ Shinichi không quan tâm tới vinh quang Olympics mà chú trọng tới việc đưa ra sản phẩm có kiểu dáng được đánh giá rộng rãi là thuộc hàng đẹp nhất thế giới.

Giá: chưa có.

8. Faraday Porteur


Xuất xứ: Mỹ

Chi tiết: Các nhà sản xuất xe đạp điện ngày càng khéo hơn trong việc giấu kín ắc-quy và động cơ, nhưng không phải ai cũng ẩn được các bộ phận phát điện một cách tinh tế như Faraday. Đặt tại thánh địa xe đạp ở Portland, Oregon, Faraday để ắc-quy lithium-ion của xe Porteur vào bên trong khung khiến chiếc xe trông gọn gàng.

Với mỗi lần xạc đầy, xe có thể đi được tới 24 km và bộ đèn LED cảm ứng sẽ tự động nhấp nháy khi trời tối. Phía trước xe có giá đèo hàng (lắp theo đơn đặt hàng) để chở rau quả, sách vở và những món đồ nhỏ gọn.

Giá: 3.500 đô la Mỹ.

9. Engeenius Cykno


Xuất xứ: Italy

Chi tiết: Nếu không quan tâm tới giá cả, bởi chiếc xe này còn đắt tiền hơn một chiếc xe hơi Alfa Romeo MiTo mới tinh, thì Engeenius Cykno không có điểm gì bất hợp lý hết. Chiếc xe Ý có khung monocoque (tức loại khung hoàn toàn rỗng ruột), càng trước và bánh xe dùng nan hoa 26in được làm bằng sợi carbon tổng hợp, khiến trọng lượng xe chỉ khoảng 26kg bất chấp phần ổ điện khá nặng.

Phần thân xe được bọc da là nơi đặt mô-tơ điện 250 hoặc 500 watt, một bộ ắc-quy lithium-polymer và một bộ xạc kèm dây dẫn. Để xạc đầy nếu cắm vào ổ điện gia đình sẽ mất bốn tiếng, và xe Cykno có thể đi được tới 37 dặm, tức khoảng gần 60km.

Giá: 22.000 đô la (ước tính)

10. World Bicycle Relief Buffalo


Xuất xứ: Angola/Kenya/Nam Phi/Zambia/Zimbabwe

Chi tiết: Với nhiều người thì chiếc xe bạn đang ngắm chỉ là một chiếc xe đạp. Nhưng với hàng triệu người ở Phi châu vốn phải dùng xe đạp để đi lại, để lo cho gia đình và để vận chuyển hàng hóa thì Buffalo vô cùng đẹp. Là sản phẩm của quỹ thiện nguyện World Bicycle Relief có trụ sở tại Hoa Kỳ, Buffalo được các công nhân địa phương đã qua huấn luyện lắp ráp tại nhiều nhà máy đặt tại các nước Phi châu.

Từ đó, xe được tặng cho các tổ chức phi chính phủ hoặc được bán cho người tiêu dùng trên toàn châu lục. Kiểu dáng xe gợi nhớ các loại xe đường trường cổ điển của Anh. Đúng như tên gọi, Buffalo (con trâu) được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng ở Phi châu - chở đồ nặng, đi trên các địa hình xấu và ít phải chăm sóc sửa chữa. Mỗi xe được trang bị kèm theo một bộ đồ sửa xe nhỏ và một chiếc bơm.

Giá: khoảng 150 đô la

Theo Doanhnhansaogon.vn

Oktopus Moon Carbon là sự kết hợp giữa thiết kế hiện đại và nghệ thuật sử dụng chất liệu. Các nhà chế tác đồng hồ đã phải mất 2 năm để nghiên cứu và chế tác ra sản phẩm tuyệt vời này. Đáng chú ý nhất là quy trình nén sợi carbon thành hình dạng mong muốn..



Linde Werdelin là thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới với những chiếc đồng hồ cao cấp luôn được thiết kế với phong cách phá cách, phá vỡ khuôn mẫu và luôn đi đầu trong việc sáng tạo ra những phiên bản đồng hồ độc và lạ. Oktopus Moon Carbon là phiên bản đồng hồ mới nhất và nó là minh chứng cho phong cách phá cách của Linde Werdelin.



Oktopus Moon Carbon là sự kết hợp giữa thiết kế hiện đại và nghệ thuật sử dụng chất liệu. Các nhà chế tác đồng hồ đã phải mất 2 năm để nghiên cứu và chế tác ra sản phẩm tuyệt vời này. Đáng chú ý nhất là quy trình nén sợi carbon thành hình dạng mong muốn, cùng công nghệ 3DTP™, mang lại một vẻ đẹp tuyệt mỹ cho Oktopus Moon Carbon.



Với đường kính 44mm, Oktopus Moon Carbon được các nhà chế tác điêu khắc công phu từ nhiều lớp carbon và bên ngoài vỏ đồng hồ được tráng một lớp tinh thể sapphire AR. Được trang trí một vương miện làm từ 18 carat vàng hồng, đồng hồ có phần gờ lắp kính được làm bằng gốm đen với titan. Chiếc đồng hồ này có khả năng chịu nước ở độ sâu tới 300 mét. Ở độ sâu 300 mét, bạn sẽ phải gặp những con quái vật biển, và để cho tương xứng với những con quái vật biển vô cung hung dữ, phần vỏ đồng hồ được các nghệ nhân trang trí với 3 lớp bạch tuộc và được khắc số thứ tự trong bộ sưu tập giới hạn gồm 59 chiếc đồng hồ này.



Bộ phận hoạt động là bộ cỡ Thụy Sĩ tự động với 23 viên ngọc, tốc độ 28.800 VPH và thời gian dự trữ năng lượng lến đến 44 giờ đồng hồ. Phần dây đeo được làm từ cao su tự nhiện có màu nâu đen của socola. Mỗi chiếc đồng hồ cao cấp này trị giá 19.700 USD (hơn 400 triệu đồng).



Lê Hoa

Được thiết kế với nhiều yếu tố lấy cảm hứng từ biển, phiên bản mới của Ulysse Nardin có phần mặt đồng hồ được trang trí với hoa văn của những con sóng biển nhấp nhô, cùng hình ảnh nhổ neo ở vị trí 2h00.



Thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới của Thụy Sĩ Ulysse Nardin vừa cho ra mắt phiên bản đồng hồ Gold Marine Diver dành riêng cho phái mạnh. Không chỉ mang phong cách thể thao, khỏe khoắn, Gold Marine Diver còn rất thanh lịch, phù hợp với những quý ông sành điệu trong mọi dịp.



Gold Marine Diver có thời gian dự trữ năng lượng lên đến 42 giờ đồng hồ. Được thiết kế với nhiều yếu tố lấy cảm hứng từ biển, phiên bản mới của Ulysse Nardin có phần mặt đồng hồ được trang trí với hoa văn của những con sóng biển nhấp nhô, cùng hình ảnh nhổ neo ở vị trí 2h00. Thông số ngày được hiển thị ở vị trí 6h00 và chỉ số năng lượng được đặt tại vị trí 12h00.



Bên cạnh đó, với đường kính mặt đồng hồ là 44 mm và được trang trí với 18 carat vàng, đồng hồ cao cấp với phần dây đeo làm bằng cao su là một sự lựa chọn tuyệt vời cho thợ lặn, với khả năng chịu nước ở độ sâu dưới 300 mét. Đặc biệt, kim giờ và kim phút được phủ một lớp phát quang màu trắng và được thiết kế với màu đỏ tươi sáng, giúp các thợ lặn có thể nhìn rõ ở những vùng thiếu ánh sáng.



Lê Hoa

Grand Prix de Monaco Historique gồm ba chiếc đồng hồ Chrono, Power Control, và Automatic. Cả ba đều được thiết kế theo động cơ ô tô của ba dòng xe đua V6, V8, và V12 và đều được trang bị bộ phận hoạt động tự động của Thụy Sĩ với 24 viên ngọc, tốc độ 28.800 VPH..



Chopard đã trở thành thương hiệu đồng hồ tài trợ chính thức cho các cuộc đua xe danh tiếng trên thế giới từ năm 2002, nhưng 2014 là năm đầu tiên Chopard mới chính thức phát hành cả bộ sưu tập đồng hồ cao cấp Grand Prix de Monaco Historique để kỷ niệm mối quan hệ đặc biệt này.



Bộ sưu tập Grand Prix de Monaco Historique gồm ba chiếc đồng hồ nổi bật Chrono, Power Control, và Automatic. Cả ba đều được thiết kế theo động cơ ô tô của ba dòng xe đua V6, V8, và V12 và đều được trang bị bộ phận hoạt động tự động của Thụy Sĩ với 24 viên ngọc, tốc độ 28.800 VPH và bộ dự trữ năng lượng lên đến 46 giờ đồng hồ. Đều được cấp giấy chứng nhận COSC, ba chiếc đồng hồ đều có phần dây đeo làm bằng da bê Barenia màu đen với phần gài làm bằng titan.



Điểm khác biệt chủ yếu giữa các đồng hồ là tính thẩm mỹ. Mặc dù đều có đường kính 44,5 mm và vỏ đồng hồ làm bằng hợp chất titan, nhưng mặt của mỗi chiếc đồng hồ đều được thiết kế khác nhau hoàn toàn.



Ví dụ, một trong số mặt đồng hồ được làm bằng bạc rỗng, kết hợp với một mặt đồng hồ phụ màu đen được đặc ở vị trí 12 và 6h00, một mặt đồng hồ phụ màu bạc ở vị trí 9h00 và kim giờ và kim phút được mạ vàng, cùng kim giây màu đen quét xung quanh mặt đồng hồ.



Một chiếc khác có mặt đồng hồ làm bằng bạc đặc với phần số Arabic cỡ lớn ở vị trí 12h00 và 6h00, gờ để lắp mặt kính được thiết kế dạng hình tròn và màu bạc, kim giờ và kim phút được mạ vàng và kim giây màu đen quét một vòng trung tâm và chỉ số dự trữ năng lượng được thiết kế dựa trên đồng hồ đo xăng dầu.



Lê Hoa

Trong khi người dân ở nhiều quốc gia phải làm việc 12h/ngày để có thể mua được nhà lầu, xe hơi, sống cuộc sống thoải mái thì người dân Đức lại chỉ phải làm việc 35 giờ/tuần và nghỉ phép tới 24 ngày trong năm.



Nhắc tới Đức, chúng ta thường nghĩ ngay tới bia, bóng đá, hình ảnh Hitler hay quân đội trong Thế chiến 2. Nhưng không chỉ có vậy, nước Đức còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới khi từng dẫn dắt châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năm 2012.

Thay vì làm việc chăm chỉ cần cù để tạo ra kỳ tích như người Nhật, công nhân Đức chỉ phải làm việc 35 giờ/tuần và được nghỉ phép tới 24 ngày/năm, thế nhưng năng suất làm việc ở đây lại cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Và dưới đây là những lý do để giải thích cho hiện tượng thú vị này.

Giờ làm việc chỉ để làm việc



Trong công sở, khi một nhân viên nói họ đang làm việc, điều đó có nghĩa là họ sẽ không làm gì khác ngoài công việc. Lướt Facebook, tán gẫu với đồng nghiệp, và giả vờ làm việc khi sếp xuất hiện là những hành vi không thể chấp nhận. Ở Mỹ, những hành động này khiến các nhà quản lý khó chịu đôi chút, nhưng ở Đức, điều đó là không thể tha thứ.

Trong bộ phim tài liệu “Make me a German” (hãy biến tôi thành người Đức), một phụ nữ Đức trẻ tuổi nói cô đã bị sốc trước văn hóa làm việc của người Anh. Tôi đến Anh để tham gia một khóa trao đổi công việc. Tôi đã ở văn phòng và thấy mọi người suốt ngày ngồi tán gẫu những câu chuyện cá nhân như: “Làm gì tối nay nhỉ?” và uống cafe suốt ngày.

Cô cho biết, tại Đức, Facebook bị cấm sử dụng trong văn phòng, thậm chí xem email có nội dung riêng tư cũng không được phép.

Trao đổi thẳng thắn


Người Đức có thói quen trao đổi rất thẳng thắn trong công việc. Trong khi người Mỹ đánh giá cao cuộc nói chuyện trong phạm vi nhỏ và luôn cố gắng duy trì bầu không khí lạc quan thì người Đức lại hiếm khi vòng vo. Họ sẽ trao đổi trực tiếp với quản lý về việc đánh giá hiệu suất công việc, đi thẳng vào vấn đề trong các buổi họp và sử dụng những câu nói trực diện mà không cần nghĩ tới việc nói giảm hay nói tránh.

Nếu người Mỹ nói: “Tôi sẽ rất vui nếu anh có thể mang đống tài liệu này đến đây lúc 3 giờ chiều”, thì người Đức sẽ nói: “Tôi cần văn bản này lúc 3 giờ chiều”.

Trong giờ làm, người Đức làm việc một cách tập trung và chăm chỉ do đó họ có thể đạt được hiệu suất cao trong thời gian ngắn.

“Xả hơi” thoải mái



Người Đức làm việc lăn xả và ăn chơi cũng nhiệt tình. Nếu trong thời gian làm việc, họ thực sự tập trung và chăm chỉ, thì đến lúc nghỉ ngơi, họ cũng nghỉ ngơi thực sự thoải mái. Cũng bởi văn hóa công sở rất khác biệt, nên nhân viên không cần đi chơi với nhau sau giờ làm. Họ đánh giá cao sự phân định rạch ròi giữa công việc và đời tư.

Thậm chí Chính phủ Đức còn đang xem xét lệnh cấm gửi các email liên quan đến công việc sau 6 giờ tối để ngăn người sử dụng lao động bóc lột nhân viên của họ.



Người Đức thường tụ tập ở những quán bar để gặp gỡ những người có cùng sở thích. Sở thích của họ thường là chơi thể thao, ca hát, chăm sóc động vật (chủ yếu là nuôi thỏ và bồ câu) hay chỉ đơn giản là đi dạo. Thay vì cắm đầu vào TV sau khi đi làm về, người Đức thích giao lưu với mọi người và tham gia các hoạt động giúp tâm hồn được thư thái.

Người Đức có số ngày nghỉ phép nguyên lương khá nhiều. Trung bình họ được trả nguyên lương 25 – 30 ngày nghỉ trong năm (Luật pháp Đức quy định là 20). Việc kéo dài kỳ nghỉ giúp các gia đình có nhiều thời gian bên nhau và đi chơi thoải mái hơn.

Chế độ thai sản lý tưởng



Hệ thống Elternzeit (Thời gian nghỉ thai sản dành cho cả bố và mẹ) là điều mơ ước đối với những người lao động trên khắp thế giới. Trong khi Mỹ không có chế độ dành riêng cho các bà mẹ thì Đức lại sở hữu chính sách bảo vệ bà mẹ nghiêm ngặt bậc nhất thế giới.

Ở Đức không có khái niệm lao động tự do. Bất kỳ người lao động nào cũng phải ký hợp đồng với nhà tuyển dụng. Do đó, tất cả những người đã ký hợp đồng lao động được một năm đều sẽ nhận được ưu đãi từ hệ thống Elternzeit. Người lao động trong thời gian có con nhỏ có thể được nghỉ tới 3 năm không lương mà không bị hủy hợp đồng. Đó chính là lý do khiến các nhà tuyển dụng thường từ chối tuyển nhân viên nữ bởi e sợ họ sẽ lạm dụng quyền ưu tiên. Chế độ đãi ngộ quá tốt khiến các bà mẹ chỉ muốn ở nhà mà không muốn đi làm.

Nó cũng là yếu tố khiến Đức là quốc gia có hệ thống quản lý mà nam giới chiếm đa phần. Dù Chính phủ đã có những bước để cân bằng lại tỉ lệ này nhưng cho đến thời điểm này, Đức vẫn là quốc gia có nam giới nắm vai trò lãnh đạo lớn nhất trong số các quốc gia phát triển.

Với những người lao động làm việc bán thời gian trên 30 giờ/tuần, họ cũng sẽ nhận được những ưu đãi đầy đủ như những người làm việc toàn thời gian khi nghỉ thai sản. Các bậc cha mẹ có thể nghỉ làm tới một năm, cả 2 chứ không chỉ riêng người mẹ được hưởng đặc quyền này.

Ngoài ra, để bảo vệ hợp đồng cho người lao động, nhà nước cũng sẽ đứng ra chi trả 67% lương của họ (trung bình 1.800 euro/tháng) trong vòng 14 tháng. Các gia đình có thể tùy chọn họ muốn nhận tiền vào tháng nào.

Tóm lại: Tắt Facebook trong giờ làm, không tán gẫu, tập trung khi làm việc, trao đổi thẳng thắn, phân định rạch ròi giữa giờ làm và giờ chơi chính là bí quyết để làm ít, chơi nhiều của người Đức.

Theo Thoatly, Cafebiz

















Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.