tháng 4 2013

Vừa qua tôi được chứng kiến một chuyện đau lòng: một đám tang của một người trẻ ở Thanh Hóa. Người chết là một người đàn ông còn trẻ, Anh 39 tuổi – (tôi xin dùng chữ hoa để gọi Anh. Vừa thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa của tôi với hoàn cảnh của Anh; vừa “tiễn đưa Anh về với đất qua những dòng này, dù không khóc nỉ non nhưng tôi cũng đang đứt từng khúc ruột” – như cách nói của Nam Cao trong “Điếu Văn”). Anh có mẹ già, vợ và 2 con còn nhỏ dại.


Quê anh là một vùng quê thuần nông như bao làng quê khác ở xứ Thanh. Mang tên Phú Điền nhưng nó chẳng có gì là “phú” cả. Vẫn nghèo hèn, lạc hậu, âm u…; vẫn những tiếng kêu của ếch nhái, của chão chuộc khi đêm về làm buổi đêm thêm u tịch, thê lương. Người dân trong làng bây giờ vẫn như các làng quê khác là chỉ toàn người già, con trẻ; con gái đẹp bỏ làng mà đi hết…

Quê Anh nghèo nên như bao thanh niên khác, Anh phải bỏ lại mẹ già con dại ở lại cho người vợ trẻ chăm sóc, khăn gói quả mướp từ Thanh Hóa vào tận Bình Dương kiếm sống. Công việc của Anh là dùng hóa chất để sơn đồ gỗ, đơn giản nhưng độc hại. Thương mẹ già con dại, Anh làm việc ngày đêm. Nào tăng ca, nào làm thêm giờ…bất chấp công việc rất độc hại. Làm việc vất vả như thế nhưng cũng như bao người lao động tha phương cầu thực khác, điều kiện ăn ở của Anh thật tồi tệ. Căn phòng trọ ổ chuột tồi tàn, nóng nực; những bữa ăn thiếu chất…là những điều Anh phải đối diện hàng ngày. Mà thực ra, Anh đã phải đối diện những điều tồi tệ này gần chục năm rồi. Anh dự kiến là tháng Tư này là về quê sinh sống. Tháng Tư không thành, lại tính sang tháng Bảy này. Ai ngờ…

Trưa một ngày đầu tháng Bảy vừa qua, sau khi tắm rửa, Anh lên giường đi ngủ. Đến chiều tối khi mọi người cùng xóm trọ đi làm về thì đã thấy Anh mất rồi. Anh ra đi không lời trăn trối, không người thân bên cạnh. Đau xót là Anh ra đi vì bị đột quỵ do làm việc quá sức, điều kiện ăn ở khó khăn. Đau xót hơn nữa là những nguyên nhân này đa số là do chủ quan-chính chúng ta tự gây ra.

Nếu kinh tế không quá khó khăn, nếu vùng quê Anh có nhiều nhà máy xí nghiệp, nếu ở quê Anh cũng có thể dễ dàng kiếm được việc làm để nuôi mẹ già con dại…v…v…thì Anh đã không phải đi tha phương cầu thực, để rồi phải đón nhận một kết cục đau lòng như thế. Dĩ nhiên để có nhà máy xí nghiệp, có điều kiện phát triển bản thân…là rất khó nhưng không đến mức là không thể. Phụ thuộc phần lớn vào chúng ta. Nếu cơ chế mở, thành phần kinh tế tư nhân cũng bình đẳng như thành phần kinh tế nhà nước, nếu chúng ta không ấu trĩ khư khư đi những lối mòn mà nhân loại đã đi hàng trăm năm trước (ý của TS Alan Phan)…thì tình hình đất nước chắc sẽ khác. Lúc đó mỗi người dân sẽ được là chính mình, sẽ có một môi trường tự do để cho mỗi công dân có thể phát huy hết khả năng của mình, phát triển đến giới hạn có thể của mỗi người tùy theo khả năng như thế nào mà thôi (ý của tiểu thuyết siêu kinh điển Suối Nguồn). Báo chí Mỹ khi so sánh sự khác biệt giữa TQ và Mỹ có một điểm đáng chú ý thế này: người Mỹ được tự do phát huy hết khả năng của mình còn người TQ phải phụ thuộc vào lề thói, truyền thống…Kết quả là người Mỹ có được những kì tài hoặc quái tài làm thay đổi TG như Bill Gates, Steve Jobs…còn người TQ thì không tìm thấy có ai như vậy. Và người ta kết luận rằng, nếu nước Mỹ vẫn giữ được sự tự do thực sự: tự do ngôn luận và đa nguyên chinh trị; sự sáng tạo luôn được coi trọng tuyệt đối thì nước Mỹ sẽ luôn dẫn đầu và hiển nhiên là TQ không thể đuổi được. Sự so sánh này cũng tựa như là so Việt Nam chúng ta với Mỹ vậy. Nói đâu xa, nếu GS Ngô Bảo Châu mà không làm việc ở nước ngoài thì anh sẽ không bao giờ giải được Bổ đề Langlands như chúng ta biết. Còn mới đây chỉ riêng chuyện bình thường là chữa bệnh nhưng nhiều người có tiền lại sang Singapore, Thái…làm chúng ta thất thoát hàng năm khoảng 1tỷ $. Khi được hỏi rằng tại sao lại không chữa ở nhà thì có người trả lời : sang nước ngoài thì trình độ của họ vẫn vậy, có khi không cao hơn mình bao nhiêu nhưng chúng tôi vẫn sang vì ở đó chúng tôi mới được coi là…người, còn ở VN thì… (Vienamnet)! Xin miễn phải bình luận!

Ước gì VN chúng ta có một môi trường tự do thực sự, để lúc đó mỗi công dân chúng ta được “là người đích thực”, để khi nói về con người “ta phải trân trọng, chứ sao lại thương hại” (Goorki), phải dùng chữ hoa “NGỪỜI” khi nói về con người. Mà những điều này sao lại quá xa xôi đến mức chúng ta phải ước nhỉ? Nhân loại tiến bộ đã đấu tranh không ngừng nghỉ trong suốt triều dài lịch sử và nhiều nơi đã dành được sự tự do thực sự cho dân tộc mình. Với riêng VN chúng ta, qua quá trình phát triển, bằng sự hội nhập quốc tế, chúng ta đã hiểu kết quả và ý nghĩa của các cuộc cách mạng, đó chính là một xã hội tự do thực sự: đa nguyên chính trị, tự do ngôn luận. Thế nhưng sao bây giờ chúng ta vẫn chưa có điều đó? Để mỗi người dân chúng ta vẫn “chưa là con người đích thực”, kéo theo đất nước vẫn còn nghèo nàn lạc hậu. Để thay đổi thì cũng không phải là quá khó khăn nhưng chúng ta vẫn không thay đổi? Tại sao khi nhận thấy những điều này mà chúng ta vẫn chấp nhận? “Ơn trên cũng bắt đầu sốt ruột với sự thụ động, ì trệ của chúng ta” (TS Alan Phan). Để rồi đất nước khó khăn vẫn cứ mãi khó khăn. Và tình hình khó khăn này không biết bao giờ mới chấm dứt?

Rồi sẽ còn bao người phải đi tha phương cầu thực nơi đất khách? Với nhiều người trong số những người này có thể họ không bị chết sớm như Anh nhưng nếu họ sống thì họ cũng chỉ sống với nghĩa là tồn tại. Nếu VN không có quá nhiều quyết sách sai lầm thì bây giờ chúng ta sẽ phát triển đến mức mà chúng ta có thể là (nói theo ý Suối Nguồn), chứ không đến mức khó khăn như bây giờ. Hãy coi như chúng ta đã sai lầm và bây giờ phải sửa sai. Tuy nhiên những suy nghĩ ấu trĩ đã ngăn cản sự thay đổi để sửa sai. Những lợi ích nhóm đã cản trở sự thay đổi. Bất công là bọn nó thì giầu có, thuận lợi nhưng đại đa số người dân thì rất khổ cực. Có bao nhiêu số phận giống Anh nhưng bọn chúng không mảy may thương xót, bởi nếu chúng nghĩ được chúng sẽ thay đổi. Thật đau xót vì sự vô cảm của chúng.

Bây giờ để đất nước phát triển phải cần nhiều thời gian, chúng ta biết điều đó. Tuy nhiên điều chúng ta mong muốn và có thể sớm biến thành hiện thực là VN là một xã hội dân chủ thực sự, để mỗi công dân được coi là một con người đích thực. Lúc đó dù cuộc sống khó khăn nhưng chúng ta cũng sẽ vẫn vui vẻ. Chúng ta không chấp nhận định hướng “cải cách kinh tế rồi mới dẫn đến cải cách chinh trị” bới “cải cách kinh tế rồi mới dẫn đến cải cách chính trị là một định hướng sai lầm” (bài viết trên BBC mới đây). “Ai không luyến tiếc khi CNXH tan rã là người không có trái tim nhưng nếu ta vẫn muốn tồn tại CNXH là người không có khối óc” (V. Putin). Và hơn nữa “tự do dân chủ đã trở thành quyền phát triển, quyền sống chứ không đơn thuần là quyền chính trị nữa” (Đối thoại với tương lai – Nguyễn Trần Bạt). “Chế độ dân chủ thực sự” bây giờ là quyền sống, không đơn thuần là quyền chính trị – chúng ta cần điều đó ngay lập tức, không một thế lực nào có thể khất lần được. Nếu thế lực nào đó khất lần thì đó thì đó chính là kẻ thù của sự phát triển, kẻ thù của mỗi người dân chúng ta. Thế lực đó cần phải được tiêu diệt ngay lập tức!

Anh à, từ đám tang của Anh nói về vấn đề bức xúc nhất của xã hội VN hiện nay, Anh cho phép nhé. Với mong muốn góp một viên gạch nhỏ trên con đường phát triển VN, để VN sớm thành nước dân chủ thực sự: đa nguyên chính trị, tự do ngôn luận. Khi đó VN chắc chắn sẽ phát triển hơn, sẽ có ít người phải vất vả như Anh. Nếu còn khó khăn thì chí ít lúc đó mỗi chúng ta cũng sẽ được coi là người đích thực, khi đó sống mới là sống – cuộc sống đích thực. Chặng đường còn dài nhưng đó là con đường tất yếu của Việt Nam! Việt Nam nhất định có ngày đó và ngày đó sẽ không còn xa phải không Anh?

Cầu mong tâm hồn Anh siêu thoát. Vĩnh biệt Anh!

(Thanh Hóa – Hà Nội những ngày đầu tháng 7-2012)

“Chúng ta phải chú tâm vào lợi ích của những gia đình trung lưu để tạo một nền kinh tế ổn định. Như cha tôi, mỗi đêm Chúa Nhật, phải mất ngủ đi quanh nhà suy nghĩ tìm cách mưu sinh, trong khi con cái ông, nằm trong chăn ấm cúng, mơ về những giấc mộng lớn. Những gia đình không chắc là sáng Thứ Hai sẽ có được gì, nhưng luôn luôn tin rằng những ngày tốt đẹp của quốc gia đang đợi chờ trước mặt” (Charles Schumer)



Trong bài nói chuyện tại Café Thứ Bẩy hôm 6 tháng 4 năm 2013 cho khoảng 80 bậc trí giả ở Saigon, tôi đã mạo muội múa rìu qua mắt thợ và bầy tỏ quan điểm của tôi về đề tài khá bao quát,” Những điều kiện tiên quyết để tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh”. Dĩ nhiên, tôi phải đón đầu đây là những tư duy rất sơ đẳng, hoàn toàn chủ quan từ góc nhìn cá nhân và đòi hỏi các khảo cứu sâu rộng cùng phản biện trí thức khác.

Theo tôi, 3 điều kiện đó là: (a) một thể chế chính trị hiện đại (b) một nền giáo dục tự do và thực tiễn và (c) một hệ thống tài chánh liên thông với thế giới. Nhưng trên hết là một tầng lớp trung lưu để nâng đỡ và nuôi dưỡng nền kinh tế này.

Tôi không được phép nói thêm về điều kiện chính trị và chỉ có thể bàn qua về nền giáo dục hay hệ thống tài chánh.

Môi trường giáo dục
Ai cũng biết người Việt là một trong những dân tộc hiếu học nhất. Bản chất thông minh, sinh viên Việt đã tạo những thành quả ấn tượng tại khắp các học đường trên thế giới. Các bậc phụ huynh cũng coi chuyện đầu tư vào giáo dục của con em là lựa chọn hàng đầu. Tại Việt Nam, có trên 20 triệu sinh viên học sinh, vài chục ngàn tiến sĩ và cả triệu cử nhân đã được đào tạo trong nước.

Tuy nhiên, sự đóng góp của giáo dục trong nền kinh tế gần như rất thấp vì khả năng của sinh viên ra trường thua kém chuẩn mực đòi hỏi của nghề nghiệp quá xa. Một thí dụ tôi hay kể là hãng Intel cần 120 chuyên viên trung cấp cho nhà máy ở Thủ Đức của họ. Trong số gần 2,000 ứng viên xin việc, họ chỉ nhận vài chục người, số còn lại phải nhập khẩu chuyên viên từ Mã Lai hay Philippines. Ngay cả những ngành học không cần cho ứng dụng kinh tế như khoa học nhân văn, tự nhiên, sư phạm… các sinh viên ra trường cũng thua xa các bạn đồng nghiệp tại Đông Nam Á.

Hệ thống đại học Mỹ được xem như là tối ưu trong các xếp hạng; dù các trường tại Âu châu có thể đã tồn tại lâu hơn. Lý do chính là chánh phủ Mỹ không bao giờ can thiệp vào giáo trình hay điều hành của bất cứ đại học nào,dù nhiều đại học công có nhận tài trợ từ ngân sách tiểu bang. Sự tự do này đem đến một sáng tạo rất đa chiều đa dạng.

Yếu tố giáo dục này đã đem một lợi thế cạnh tranh đáng kể cho nền kinh tế Mỹ; nhất là khi những sinh viên ngoại quốc của các trường đại học Mỹ quay về bản xứ để nắm các chức vụ quản lý quan trọng trong lãnh vực chánh phủ hay tư nhân. Tầm nhìn hay tư duy hay phương cách làm việc rất thích ứng với nền kinh tế toàn cầu do Mỹ đề xướng.

Hệ thống tài chánh

Vì đây là nền kinh tế toàn cầu nên cội rễ tài chánh (huyết mạch của hệ thống) phải có cùng một hệ điều hành. Một phần mềm cho IPhone không chạy trên các điện thoại Android hay ngược lại. Đó là lý do nền kinh tế Trung Quốc, mặc cho sự tăng trưởng ấn tượng và số lượng dân, vẫn tiềm tàng nhiều bất ổn, nhất là khi các siêu cường áp lực Trung Quốc phải để cho đồng nhân dân tệ (yuan) thả nổi và tự do hoán chuyển.

Ngày nào mà Việt Nam chưa dám cho tiền “VN đồng” hội nhập vào hệ thống tiền tệ thế giới thì chúng ta vẫn chỉ đá bóng trên sân nhà, với những quy luật riêng, không giống ai và không thể ra biển lớn để thi đua hay thu hút khán giả. Nền kinh tế sẽ bị giới hạn và luôn thu nhỏ, lệ thuộc vào nghị quyết của chánh phủ và những con cá mập tư bản nước ngoài có liên hệ chính trị với các quan chức và đại gia. GDP có thể tăng trưởng (dù không mấy ai ngoài cuộc tin vào các số liệu này) nhưng dòng tiền đầu tư chính thống (rất dồi dào trên thế giới) vẫn sẽ không đến với Việt Nam.

Thêm vào đó, để 3 diều kiện trên tồn tại và phát triển, chúng ta cần một tầng lớp trung lưu để nuôi dưỡng và bảo đảm sự vững mạnh cùng sáng tạo này của nền kinh tế.

Trung lưu là nền tảng

Dựa trên kinh nghiệm của Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore…, tôi cho rằng tầng lớp trung lưu đã đóng góp rất tích cực vào sự phồn thịnh của các quốc gia này.

Trước hết, tầng lớp này là những “con kiến” cần cù xây dựng ngày đêm trong công việc được giao phó để tạo một phân khúc sản lượng cao nhất của GDP. Vì tạo được thu nhập lớn theo số đông, họ cũng là những người dân đóng thuế nhiều nhất cho ngân sách quốc gia. Sự đóng góp của họ còn thể hiện qua nhu cầu tiêu dùng, vốn tiết kiệm trong các ngân hàng, quỹ đầu tư và các hoạt động thiện ích ngoài xã hội.

Nhờ các hệ thống tín dụng dài và ngắn hạn, tầng lớp trung lưu tại các xứ này cũng là những người nắm giữ phần lớn tài sản…và do đó, phần lớn nợ nần liên quan. Trong định luật kinh tế, thành phần có nhiều thứ để mất là thành phần năng động và bảo thủ nhất. Vì tài sản, vì nợ nần, họ phải cật lực và sáng tạo để kiếm tiền, để giữ gìn tài sản cho gia đình và bảo vệ xã hội quốc gia khi gặp hiểm họa từ bên ngoài. Tầng lớp trung lưu thường bao gồm những người yêu nước nhất.

Dù thành phần trung lưu có nhiều tài sản và thu nhập nhất nhờ chiếm đa số dân, nhưng các tài sản và nợ nần này lại trải đều ra, tạo một thế cân bằng cho nền kinh tế. Cá nhân mỗi người không đủ giàu hay lớn để có ảnh hưởng gì đến thị trường; và trong việc đóng góp cho quốc gia, họ không đủ quyền lực hay kiến thức để tìm cách trốn thuế hay di chuyển tài sản ra nước ngòai. Đó là lý do chính một nền kinh tế tạo dựng trên nền tảng “trung lưu” này sẽ vững bền và mạnh mẽ hơn. Nguyên lý này ông cha ta đã biết,” dân giàu nước mạnh”.

Quá khứ và tương lai

Trong lịch sử nước nhà, các lãnh đạo kinh tế của Việt Nam đã phạm hai lỗi lầm lớn trong quá khứ tạo nên hai cuộc khủng hoảng coi như “đại suy thoái” trầm trọng. Đầu tiên là chương trình cải cách ruộng đất theo mô hình Trung Quốc vào năm 1953 khi quốc gia còn là một nước nông nghiệp. Loại trừ phú nông ra khỏi nền kinh tế còn thô sơ để sở hữu hóa ruộng đất (cha chung không ai khóc) đã gây đói nghèo và thoái hóa tại nông thôn kéo dài nhiều thập kỷ.

Sau đó, chương trình “diệt tư sản” sau 1975 đã tàn phá thêm tầng lớp trung lưu đang là cột sống của nền kinh tế miền Nam vào giai đoạn đầu của phát triển. Suy thóai kéo dài hơn 20 năm sau đó là hệ quả của sự thiếu vắng một tầng lớp trung lưu trong xã hội. Hồi phục chỉ bắt đầu khi tư nhân được phép làm ăn, với sự góp vốn phần lớn từ các Việt Kiều và các nhà đầu tư ngoại. Hiện nay, một tầng lớp trung lưu đã manh nha hình thành; nhưng những chánh sách ưu tiên, dồn nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước có thể làm trì trệ thui chột sự tăng trưởng nhiều hứa hẹn này.

Giáo điều và chủ nghĩa thực ra là một thừa thãi trong việc phát triển nền kinh tế vững mạnh. Đặng Tiểu Bình đã hiểu được chân lý về “mèo trắng mẻo đen hay mèo đỏ” sau 30 năm lỗi lầm của chánh phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, dồn chuột bắt được cho một nhóm lợi ích bằng ban phát quyền lực và quyền lợi trong một cuộc cạnh tranh không chính thống cũng sẽ tạo những bất ổn mà Tập Cận Bình đang phải đối phó. Như Acemoglu đã nhận xét trong cuốn “Why nations fail?’, miếng bánh kinh tế phải được san đều ra cho số đông, qua một sân chơi bằng phẳng với những trọng tài công minh.

Mọi can thiệp để lèo lái nền kinh tế theo chiều hướng tạo lợi ích cho một thiểu số người, không sớm thì muộn sẽ kết cuộc trong suy thoái và đổ vỡ cho đại đa số. Tầng lớp trung lưu đủ thông minh để nhận ra sự khác biệt giữa “bánh vẽ và thực tại” qua các hoạt dộng hàng ngày. Hãy cho họ cơ hội để họ có động lực chính đáng trong việc đóng góp vào sản lượng quốc gia.

Có phải Marx đã phán,” chúng ta không có gì để mất, ngoài những gông cùm…”?

Alan Phan

Thưa các đồng chí và các bạn!

Hôm nay, trong không khí phấn khởi tự hào chào mừng ngày nói dối toàn thế giới, tôi xin gửi tới các đồng chí và các bạn lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, thân thương nhất.

Thưa các đồng chí và các bạn.

Trải qua một chặng đường đấu tranh gian khổ với bè lũ nói thật chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi to lớn. Nhờ có nói dối mà vợ không làm gì được chồng, cấp trên không làm gì được cấp dưới, phụ huynh không làm gì được cô thầy, bố mẹ không làm gì đựơc con cái.

Nhờ có nói dối chúng ta có được hàng ngàn dự án bánh vẽ, giải thưởng ma, tiến sĩ giấy, công trình dổm. Nhờ có nói dối mà nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế nể trọng, cho vay ngày càng nhiều đòi nợ ngày càng khó. Thử hỏi cứ nói thật làm thật thì chúng ta có bao nhiêu thắng lợi rực rỡ, bao nhiêu thành công lớn lao, bao nhiêu công trình vì đại. Và lấy đâu ra sự đồng thuận hả các đồng chí, lấy đâu ra?

Có người nói muốn giàu có vững mạnh cần phải nói thật, sai, nếu nói thật thì làm sao có ổn định, không ổn định làm sao nói đến giàu có vững mạnh? Nói dối là để chứng minh chính sự thật là dối trá, là ác ý, là vô cùng nham hiểm. Chúng ta phải kiên quyết bài trừ sự thật bởi vì chỉ có sự thật mới cản trở con đường tiến lên thế giới đồ đồng. ( Không phải thế giới đại đồng, các đồng chí phiên dịch sai, đại đồng là cái đinh gì, nó chính là thế giới đồ đồng).

Gần đây có nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hô hào cần có một ngày nói thật, sai. Đồng chí Tạo không nắm được thông tin, không hiểu được tình hình đất nước nên đã phát ngôn bừa bãi.

Nếu đồng chí Tạo không nói dối làm sao quần chúng say mê nhạc đồng chí được. Đồng chí Tạo viết: quá nửa đời phiêu bạt, ta lại về úp mặt vào sông quê, sai, đồng chí Tạo lười tắm, úp mặt vào sông quê bao giờ. Nhưng nói dối thế mới hay, mới sáng tạo. Nếu đồng chí Tạo nói đồng chí úp mặt vào cái ấy thì có hay nữa không, quần chúng còn say mê đồng chí nữa không.

Cho nên không nên nghe bè lũ nói thật lung lạc mà đề xuất linh tinh. Một phút nói thật cũng không, nói thật thì lợi hay hại… lợi hay hại hả các đồng chí.

Vì thế, tôi đánh giá rất cao lực lượng đánh máy nước nhà. Các đồng chí đã chịu thương chịu khó, đồng cam cộng khó, trên dưới một lòng, đứng mũi chịu sào đưa nói dối nước nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ nay cậu đánh máy là biểu tượng hào hùng đầy sức sáng taọ của nói dối nước nhà, đưa nói dối nước nhà lên một tầm cao mới.

Thưa các đồng chí và các bạn

Chúng ta không thể tồn tại nếu chúng ta không được nói dối, không biết nói dối. Nhân ngày lễ trọng đại này, tôi kêu gọi các đồng chí hãy phát huy tinh thần tiến công, chủ động sáng tạo, đánh bại mọi âm mưu thâm độc của bè lũ nói thật, đánh bại từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên dành thắng lợi hoàn toàn.

Láu hơn nữa, trơ hơn nữa, lì lợm hơn nữa đó là khẩu hiệu nói dối của chúng ta.

Chúc các đồng chí sức khoẻ và an tâm sống chung với lũ.

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.