Cây cà phê - mũi nhọn kinh tế của vùng đất Nam Lào

Trong năm tài khóa 2012-2013, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Champassak (Nam Lào) đạt trên 131,31 triệu USD, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 21%, phần lớn nhờ vào xuất khẩu càphê, khoảng 34.113 tấn, trị giá 83 triệu USD.
Vườn càphê trên cao nguyên Boloven chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên. (Ảnh: Hoàng Chương/TTXVN)
Trước đây, sản lượng càphê của tỉnh Champassak chỉ đạt 800 kg/ha. Tuy nhiên, từ năm 1994, Tập đoàn Dao Heuang - một doanh nghiệp Việt kiều đi tiên phong trong việc giới thiệu kỹ thuật và mời chuyên gia Việt Nam sang hướng dẫn - đã góp phần nâng sản lượng càphê lên 2-3 tấn/ha (thậm chí có một số nơi đạt 4 tấn/ha), mở đầu cho phong trào phát triển cây càphê của tỉnh.
Hiện tỉnh Champassak có khoảng 38.000ha càphê, sản xuất hàng chục ngàn tấn càphê/năm với năm công ty luôn sẵn sàng bao tiêu sản phẩm. Điển hình nhất là Tập đoàn Dao Heuang của nữ doanh nhân Lê Thị Lượng đã xây nhà máy hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Lào.
Càphê của tỉnh Champassak nói riêng và Lào nói chung về số lượng chưa thể so sánh với cà phê của Brazil, Colombia hay Việt Nam song lại có hương vị thơm ngon đặc trưng của vùng đất cao nguyên Boloven nên được khách hàng châu Âu và Nhật Bản ưa chuộng, có sức cạnh tranh cao. 
Với lợi thế nói trên, chính phủ Lào đã thành lập Uỷ ban quốc gia về chỉ đạo sản xuất càphê do Bộ trưởng Nông-Lâm nghiệp làm chủ nhiệm và 3 phó Tỉnh trưởng chỉ đạo kinh tế của 3 tỉnh là Champassak, Salavan và Secoong làm uỷ viên. Hội càphê quốc gia Lào cũng đã được thành lập để làm diễn đàn trao đổi và tư vấn về các vấn đề liên quan đến cà phê. 
Trong hợp tác với Việt Nam, chính quyền tỉnh Champassak và Tổng công ty càphê Việt Nam đã ký thoả thuận về việc thực hiện dự án trồng cà phê ở huyện Pakson trên cao nguyên Boloven. Theo đó, Tổng công ty càphê Việt Nam sẽ thuê 1.000ha đất để trồng càphê với số vốn đầu tư ban đầu gần 5 triệu USD. 
Dự án có ý nghĩa không chỉ thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần thực hiện nhanh chương trình xóa nghèo tại vùng Nam Lào, thực hiện tốt chủ trương coi cây càphê là cây trồng chiến lược và là mũi nhọn kinh tế của vùng đất đầy tiềm năng này./.


theo: Hoàng Chương/Vientiane (Vietnam+)
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.