Giá cà phê rớt... chưa có điểm dừng.

Gần một tháng qua kể từ ngày đầu niên vụ mới 2013-14, lượng cà phê xuất bán đi không nhiều nhưng giá nội địa và sàn kỳ hạn robusta vẫn giảm không ngớt. 

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE 25 ngày của tháng 10-2013 (tác giả tổng hợp)

Giá rơi tự do
Giá cà phê robusta mấy hôm nay rớt mạnh. Tại thị trường nội địa, sáng nay 26-10, giá cà phê nhân xô chỉ được trả dưới mức 33.000 đồng/kg, chung quanh mức 32.500-32.900 đồng/kg. So với đầu vụ, tức những ngày đầu tháng 10-2013, mức này đã giảm gần 4.000 đồng/kg và mất 1.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Trên sàn kỳ hạn, tình hình diễn biến phức tạp hơn. Hôm qua, thứ Sáu 25-10, giá đóng cửa kỳ hạn robusta Liffe NYSE rớt đậm, giảm 40 đô la Mỹ/tấn cơ sở giao dịch tháng 11-2013. Như vậy, sau một tuần, giá kỳ hạn mất 72 đô la, so với cách nay nửa tháng mất gần 180 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1). Giá kỳ hạn arabica cũng chẳng khá hơn, sau một tuần, giảm 5,50 cts/lb, tương đương với 121 đô la/tấn.
Đối với robusta, đây là mức thấp nhất tính từ trên ba năm trở lại đây. Điều đáng ngại nhất là hàng xuất bán từ nước ta trong những tháng gần đây không mạnh, nhưng vẫn không gây ảnh hưởng tốt đến giá của thị trường. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 9-2013 nước ta chỉ quanh mức 63.000 tấn, bằng một nửa của sức bán bình thường. Thị trường ước trong tháng 10-2013, lượng xuất bán cũng chỉ quanh mức 50.000-70.000 tấn.
Lượng xuất khẩu giảm có thể được giải thích bằng nhiều lý do: hệ thống kinh doanh cà phê trong nước đang phần nào bị tê liệt do chế độ hoàn thuế giá trị gia tăng chưa làm các nhà xuất khẩu an tâm sau khi các cơ quan thẩm quyền phát hiện có dấu hiệu trốn thuế ở nhiều đại lý và công ty. Mặt khác, giá giảm mạnh và nhanh đã làm thị trường nội địa “khựng” lại do giá thu vào trước đây cao hơn. Bán theo giá thị trường hiện nay sẽ phải chịu lỗ lớn.
Xuất khẩu nước khác tăng…phát “sốt ruột”
Dù xuất khẩu giảm thấy rõ, giá kỳ hạn robusta vẫn không tăng; ngược lại, giảm không ngớt. Theo một số nguồn tin thị trường, lượng robusta xuất khẩu trong tháng 9-2013 của Brazil tăng 84% so với cùng kỳ, là mức tăng đột biến. Nhìn sang Indonesia, con số thống kê chính thức do Ngân hàng Trung ương nước này mới phát hành trong tuần cho rằng lượng xuất khẩu trong tháng 8-2013 của Indonesia tăng 8,5% so với cùng kỳ, đạt 51.000 tấn nhưng lượng xuất khẩu lũy kế từ 12 tháng qua tính đến hết tháng 8-2013 tăng 75%, đạt 547.000 tấn.
Có thể nói rằng, Brazil và Indonesia đang thay nước ta để bù đắp thiếu hụt cà phê robusta cho thị trường thế giới trong thời gian vừa qua.
Những con số trên cho thấy, dù lượng bán ra không lớn, nông dân các nơi khác trên thế giới có thể đang chấp nhận mọi mức giá thấp để giải phóng hàng hóa. Trong khi đó, với một hệ thống mua bán quá nhiều tầng nấc trên cơ sở một nền sản xuất rời rạc manh mún như trong ngành cà phê Việt Nam, giá thành cà phê của nước ta bị đội lên cao, khó bán…và đang nhường sân cho nước khác “làm bàn”.

Biểu đồ 2: Tình hình thực hiện 13 mặt hàng trên các sàn hàng hóa thế giới (tác giả tổng hợp)
Giá rớt do đầu cơ chê nông sản?    
Không chỉ trên mặt trận hàng thực(physical), các sàn kỳ hạn hàng hóa, sân chơi của đầu cơ tài chính hình như ít mặn mà với thị trường cà phê.
Phải nói rằng, ảnh hưởng tương tác của hai sàn kỳ hạn robusta và arabica về giá là rất mạnh, đặc biệt khi thị trường đang trong trạng thái cung cao hơn cầu. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho rằng sản lượng thế giới hiện nay chừng trên 145 triệu bao (bao 60 kg) trong khi mức tiêu thụ toàn cầu chỉ 142 triệu bao.
Thường ở trong giai đoạn cung-cầu như vậy, giá arabica thường giữ vai trò quyết định hơn vì arabica chiếm đến hai phần ba lượng lưu thông cà phê thực trên thế giới.
Thế mà, suốt một năm qua, tính từ cuối tháng 10-2012 đến khuya hôm qua 25-10, giá arabica trên sàn kỳ hạn Ice New York đã mất trên 24% giá trị. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào một mặt hàng duy nhất là cà phê, người kinh doanh rất dễ bị đánh lạc hướng.
Tuần qua, trong rổ 13 loại hàng hóa, đầu cơ hình như rút tiền từ các sàn nông sản để chuyển sang “làm ăn” ở các sàn kim loại quý như bạc và vàng. Nông sản, trong đó có cà phê đã trở thành “con vật thiêu thân” và chỉ có kim loại quý gồm các loại hàng hóa như bạc và vàng là có giá tăng cao. Riêng cà phê arabica yếu, giảm gần 5% giá trị trên bảng so sánh sau một tuần thực hiện của 13 loại giá hàng hóa khác nhau (xin xem biểu đồ 2).
Giá arabica yếu đang kéo giá robusta xuống theo với một nhịp độ khá nhanh. Đến khuya hôm qua, thứ Sáu 25-10, giá đóng cửa kỳ hạn robusta xuống ở mức sâu nhất trong tháng và cũng là mức thấp nhất tính từ trên 3 năm trở lại đây.
Hai thị trường cà phê arabica và robusta đang trong thế bất lợi vì được xây dựng trên nền tảng tin đồn được mùa khắp nơi, cung vượt cầu. Đó âu cũng là cái lý để đầu cơ “làm ngơ”, rút tiền khỏi cà phê và các nhiều mặt hàng nông sản khác hay bán khống (go short) vì họ cho rằng sức bán cà phê sẽ mạnh nay mai, gây giá rớt, bấy giờ họ lại mua vào thu lợi.

 Theo: Thời báo kinh tế Sài Gòn
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.