Con ếch và hoa hậu
Hôm rồi người bạn ở Việt Nam gửi cho tôi xem bài viết về một cô gái trẻ đã vứt vào thùng rác tấm băng giải thưởng được trao trong một cuộc thi sắc đẹp vì nghĩ mình xứng đáng được giải nhất nhưng cuối cùng chỉ được giải phụ. Tôi nhớ đến cô em họ Tết năm vừa rồi cũng tham gia một cuộc thi phong trào của địa phương.
Lúc công bố giải thưởng chỉ còn Hoa khôi và Á khôi, khán giả đồng thanh gọi to tên em tôi vì em ứng xử rất lưu loát, ngoại hình sáng, thể hiện rất tốt trong các phần thi tài năng và còn được giải phụ Người đẹp Ảnh. Kết quả cuối cùng em họ tôi được Á khôi. Tôi xem bình luận trên trang cá nhân của em, nhiều bạn bè khá bức xúc và cho rằng lẽ ra em phải là người chiến thắng.
Sau cuộc thi, tôi hỏi điều gì em thích và không thích nhất trong cuộc thi? Em nói, vui vì được tập cho cách đi đứng, luyện cách ứng xử trước đám đông và thấy mình tự tin hơn rất nhiều; chỉ có điều phải nghỉ mấy buổi học. Tôi lại hỏi: “Em thấy ai đẹp nhất trong cuộc thi?”. Em nói vô vòng chung kết thấy ai cũng đẹp, có bạn cao vượt trội, có bạn rất duyên. “Thế nếu là giám khảo thì em chấm ai giải nhất?”. Em nói sẽ chấm cô bạn học trường A vì bạn đó rất cá tính và tự tin, gây ấn tượng tốt với người khác. Rồi chúng tôi nói với nhau về sự khác nhau trong quan điểm cá nhân của mỗi người và tôi tin là em mình đã hiểu ra việc giành giải nhất hay không không quan trọng bằng việc em đã có được những trải nghiệm quý báu sau cuộc thi và em cũng đã chiến thắng chính bản thân mình về nhiều mặt.
Tôi nghĩ về vô số cuộc thi lớn nhỏ đang ngày ngày diễn ra trên khắp nước mình. Với tâm thế của người từng đi thi, tôi tin ít nhiều ai cũng mong mình là người chiến thắng, thế nhưng ngôi quán quân chỉ có một mà thôi. Còn hàng trăm, hàng nghìn thí sinh khác không được xướng tên cho ngôi vị cao nhất kia, họ nên đối mặt với thực tế về kết quả cuộc thi như thế nào? Tôi không nghĩ họ không xứng đáng bước lên bục vinh quang. Chiến thắng trong một cuộc thi chỉ mang ý nghĩa là sự xác tín tạm thời về khả năng của một người tại thời điểm diễn ra cuộc thi. Chứng minh khả năng thực sự của mình sau đó mới là việc khó, nó đòi hỏi một sự nỗ lực bền bỉ trong thời gian lâu dài. Có nhiều thí sinh đạt giải cao trong các cuộc thi lặn mất tăm, mất phong độ khi chạy đường dài, trong khi có những người vốn từng bị loại lại từng bước tỏa sáng trong sự nghiệp của mình đầy thuyết phục.
Trở lại với câu chuyện danh hiệu bị vứt vào thùng rác, không cần thiết phải bàn nhiều về những tiêu cực nếu có cũng như tính công bằng của những danh hiệu được trao cho các thí sinh trong cuộc thi, hành động ấy làm tôi suy nghĩ về một bộ phận những bạn trẻ có nhận thức lệch lạc về giá trị của bản thân. Rõ ràng, tự tin rất khác với tự cao tự đại, nhưng thường thì những 'con ếch' khó mà nhìn thấy được gì ngoài phạm vi 'cái giếng' của chúng.
Thời còn đi học, tôi cũng tham gia khá nhiều cuộc thi cả trong lẫn ngoài nước, lúc ấy ở tuổi mười tám đôi mươi vừa bắt đầu những ngày tháng sống tự lập xa nhà, tôi lập tức bị choáng ngợp bởi ngoài kia có biết bao nhiêu người hơn hẳn mình về nhiều mặt. Đó cũng là một trong những bài học đầu tiên mà tôi học được rằng, trong xã hội lúc nào cũng có rất nhiều người tài năng hơn mình và có nhiều lợi thế khác hơn hẳn mình. Dù rằng quá trình nhận ra và chấp nhận khuyết điểm của bản thân không phải lúc nào cũng dễ dàng và thoải mái, nếu không muốn nói là đôi khi thật khó khăn để chấp nhận rằng mình còn quá kém cỏi. Nhưng không phải vì thế mà tôi cảm thấy tự ti và rúc mình vào 'cái giếng' để tận hưởng cảm giác mình là ‘con ếch số một’. Ngược lại, tôi luôn cảm thấy háo hức được kết bạn với những người vượt trội hơn mình và chính họ đã dạy cho tôi những bài học tuyệt vời mà tôi không được học trên ghế nhà trường. Bởi vậy tôi thường tự nhắc mình rằng, hãy học để là một tấm gỗ quý trước đã, bởi nước sơn đẹp mấy cũng không cứu nổi tấm gỗ mục nát bên trong; hoặc giả như nếu có là một con ếch, cũng hãy là một con ếch thích phiêu lưu, vì thế giới ngoài kia thật hấp dẫn!
Huỳnh Thị Ngọc Hân