Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt tay tỉ phú Sunny Varkey khi đến thăm một trường thuộc hệ thống giáo dục GEMS - Ảnh: dubaichronicle |
Sunny Varkey là người sáng lập đồng thời là giám đốc của hệ thống giáo dục tư thục GEMS có chi phí xây dựng lên đến 500 triệu USD. GEMS là hệ thống giáo dục tư thục từ cấp mẫu giáo đến lớp 12 lớn nhất thế giới, có mặt ở 15 quốc gia từ Trung Đông sang Mỹ, Trung Quốc, Anh và Ấn Độ… với 142.000 học sinh theo học và 13.400 giáo viên làm việc tại 132 trường học.
Giáo dục mang mô hình "hàng không"
Sunny Varkey cung cấp những gói “dịch vụ giáo dục” dao động từ 500 USD cho đến 40.000 USD nhằm đáp ứng tất cả những “phân khúc” trong nhu cầu người học. Cách tiếp cận theo phân khúc này đã gặp sự chỉ trích mạnh mẽ vì nhiều người cho rằng nó tạo ra sự phân biệt về giàu nghèo, sắc tộc…
Theo Varkey, mô hình này ông học tập ở các hãng hàng không khi trên cùng một chuyến bay, hành khách được phân thành các hạng ghế phổ thông, hạng nhất, hạng thương gia… nhưng tất cả đều đi chung một hành trình.
Trở lại thời điểm năm 1966 khi người ta phát hiện dầu tại Dubai khiến số lượng người nước ngoài đổ về đây làm việc tăng đột biến. Cũng từ đó, nhu cầu học tiếng Anh tăng cao. Nhìn thấy tiềm năng này, ba má của Sunny Varkey mở trường dạy tiếng Anh cho các học sinh bản địa người Arab.
Đồng thời lúc này, Sunny Varkey đang được gửi học tại quê nhà Kebala, Ấn Độ. Ngoài giờ học, Sunny Varkey tận dụng thời gian rảnh, mang trái cây ra lề đường bán để kiếm thêm tiền tiêu vặt.
“Tái ông thất mã” có lẽ là trường hợp của Sunny Varkey bởi vào năm 1980 khu nhà nơi dạy học của ba má Sunny Varkey bị giải tỏa. Đây là cột mốc khiến ông Varkey từ bỏ các công việc khác để chuyên tâm vào việc quản lý trường học.
Tiếp quản trường dạy tiếng Anh có gần 400 học sinh từ tay cha mẹ, ở tuổi 23, Sunny Varkey hầu như phải làm lại từ đầu. Ông phải làm tất cả mọi công việc để duy trì trường học, từ việc phải tham gia xây trường, cho đến việc làm tài xế xe đưa đón học sinh, lau sàn lớp học… "Tôi được đào tạo những việc cơ bản nhất để điều hành một trường học. Tôi không nghĩ đến việc đầu hàng”, Varkey nói.
Cũng vì thời đó, tại Dubai trường học chỉ dành cho học sinh bản địa nên trường học dành cho học sinh nước ngoài là gần như không có. Nắm bắt đúng thời cơ này, từ chỗ chỉ là trường dạy Anh văn, Varkey mở thêm các trường dạy văn hóa cho học sinh người Ấn, Pakistan, Anh… Rồi từ đó dần dần các cấp lớp xuất hiện để cuối cùng, một hệ thống đào tạo chính quy từ mẫu giáo đến lớp 12 được hình thành.
Câu nói tâm đắc nhất
“Tôi tin rằng một người từng được giáo dục sẽ hiểu được tầm quan trọng để giáo dục chính con cái họ và biến nó thành một dòng chảy giáo dục từ thế hệ này sang thế hệ khác”, đây có lẽ là câu nói tâm đắc nhất từ Sunny Varkey bởi nó được trích dẫn ở vị trí nổi bật trên website chính thức của ông.
Một người từng được giáo dục sẽ hiểu được tầm quan trọng để giáo dục chính con cái họ và biến nó thành một dòng chảy giáo dục từ thế hệ này sang thế hệ khác
Liên tục nắm bắt những thay đổi cũng như nhu cầu học tập của những gia đình đến làm việc tại Dubai, ông Sunny Varkey liên tục cập nhật giáo trình kèm theo việc tuyển dụng những giáo viên giỏi từ nước ngoài.
Ngày nay trường học của Sunny Varkey đã “tiến hóa” theo bước tiến của xã hội trong đó học sinh nhận bài học điện tử ở nhà và lên trường để thực hiện đề án.
Dĩ nhiên chất lượng đầu ra chính là điều khiến GEMS chiếm trọn niềm tin của phụ huynh bởi 99,9% học sinh của họ đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Tỉ lệ đậu tú tài của học sinh tại GEMS trên khắp thế giới đạt tỉ lệ 91,5% trong khi con số trung bình là 78%.
Cùng với UAE, Quỹ thiện nguyện Varkey Gems Foundation đã tổ chức cuộc thi nhằm phát hiện nhà giáo xuất sắc nhất thế giới với giải thưởng 1 triệu USD mà theo lời ông Varkey nhắn gửi: "Chúng tôi muốn vinh danh những người được trân trọng gọi bằng thầy, cô như những ngôi sao, đồng thời đề cao phẩm chất giáo dục trong đời sống của chúng ta”.
Tầm nhìn 2.000 trường học
Tầm quan trọng của giáo dục là điều không thể chối cãi. Sunny cho biết: “Không sự tiến bộ và thành đạt ở bất kì quốc gia nào lại tách rời với sự tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục. Nếu coi nhẹ giáo dục, quốc gia đó chắc chắn đối mặt với tình trạng chậm phát triển và thụt lùi là điều không thể tránh khỏi”.
Nhà tương lai học của Mỹ, Alvin Toffler nhận định: “Những người mù chữ của thế kỷ 21 không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những kẻ không biết học tập để gạt bỏ các kiến thức cũ kỹ mà học lại”.
Với nhiều người khái niệm kinh doanh giáo dục là hơi mới lạ và có vẻ “thiếu lành mạnh”. Nhưng đây có lẽ đang là ngành không chỉ cống hiến cho đời mà còn đem lại những khoảnh lợi nhuận rất lớn.
Theo công ty tư vấn GSV tại Chicago, tổng doanh thu từ giáo dục toàn cầu trong năm 2012 đạt con số 2,38 ngàn tỉ USD. Và mặt bằng chung về giáo dục trên toàn cầu là rất thấp. Sunny Varkey đưa ra những con số rất lạnh lùng và khiến chúng ta cũng phải giật mình: 69 triệu trẻ không có trường học, 250 triệu trẻ em đến trường nhưng không biết đọc, viết và khoảng 500 triệu trẻ em khác đang sử dụng các bài kiểm tra kém chất lượng.
Chính vì vậy công trình mà Sunny Varkey bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước sẽ còn tiếp tục phát triển rất xa, nếu nhìn vào tiềm năng mà “thị trường” giáo dục hứa hẹn mang lại.
Sunny Varkey cũng đang sở hữu trường nữ sinh lớn nhất thế giới dùng chương trình giáo dục của Ấn Độ với 1.850 học sinh đến từ 81 quốc gia với chất lượng được đánh giá vào dạng hàng đầu thế giới. Theo dự tính của Sunny, vào năm 2020 ông sẽ có 2.000 trường học tại 71 quốc gia khác nhau.
Andreas Schleicher, phó giám đốc cho giáo dục và kỹ năng kinh tế trụ sở tại Paris OECD nhận xét: “Những gì đạt được đã thể hiện rõ tầm nhìn của Sunny Varkey cũng như sự khôn khéo khi tận dụng kiến thức để cải thiện hệ thống trường học trên toàn thế giới”.
TRÙNG DƯƠNG - CHU YÊN