Vì sao đồng hồ tourbillon lại đắt?

Cho tới hiện tại, đồng hồ tourbillon vẫn là mơ ước của người chơi đồng hồ, có thể vì vẻ đẹp cơ khí, sự tinh xảo, thương hiệu hay đơn giản vì sự đắt đỏ của nó. Nhưng không ai biết trước được tương lai.
Vào cuối thế kỷ 18, nghệ nhân đồng hồ nổi tiếng Abraham-Louis Breguet phát hiện ra trọng lực khiến cho đồng hồ kém chính xác hơn. Thời đó, người ta dùng đồng hồ bỏ túi, thứ thường được cất theo chiều dọc và sau đó lại đặt theo chiều ngang trên bàn. Việc nằm ở hai phương như vậy khiến tăng sức ép lên các bộ phận bên trong đồng hồ, từ đó làm giảm sự chính xác.

Breguet đã nghĩ ra cách làm cho bộ phận lưu trữ năng lượng trong đồng hồ luôn trong di động và như thế triệt tiêu ảnh hưởng của trọng lực. Tourbillon ra đời.



Phát minh của Breguet rất có ích đối với đồng hồ bỏ túi. Tuy nhiên, đồng hồ đeo tay lại khác vì tay người thường di chuyển liên tục và vì thế cũng giúp giảm ảnh hưởng của trọng lực. Trên thực tế, người ta đã chứng minh được đồng hồ đeo tay tourbillon không chính xác hơn đồng hồ thường, thậm chí trong một số trường hợp còn kém hơn.

Đồng hồ tourbillon cực kỳ khó làm thủ công. Bộ phận tourbillon cực nhỏ nhưng có tới trên 40 thành phần trong khi tổng trọng lượng của nó chưa đến 1 gram. Người ta thường dùng các kim loại nhẹ như nhôm và titan và để thao tác, người thợ cần làm thủ công bằng một bộ dụng cụ đặc biệt.

Để dễ hình dung, để làm một chiếc A. Lange & Söhne Tourbograph Pour le Merite, riêng phần tourbillon đã mất tới 18 tháng.



Đồng hồ tourbillon trở lại mạnh mẽ từ cuối thế kỷ 20, sau khi những chiếc đồng hồ quartz giá rẻ gần như đã giết chết ngành đồng hồ cơ vào những năm 1980. Giới làm đồng hồ ở Thụy Sĩ quyết định biến đồng hồ cơ thành một vật dụng đắt tiền. Bộ máy càng phức tạp, đồng hồ càng được coi là cao cấp và giá cũng tăng vùn vụt. Đồng hồ tourbillon trở thành thứ chứng tỏ vị thế của chủ nhân.

Các nhà làm đồng hồ hạng sang thiết kế bộ phận tourbillon sao cho thật bắt mắt và thường đặt ở mặt trước đồng hồ để người khác dễ dàng nhìn thấy. Theo quan điểm marketing, tourbillon rất hút mắt, sản xuất phức tạp và có câu chuyện lịch sử thú vị. Tất cả giúp liên tưởng tới những thứ đắt đỏ.



Họ khiến khách hàng tin rằng chỉ có những nhà làm đồng hồ giỏi nhất mới có thể làm ra những chiếc tourbillon phức tạp. Lần lượt, từng hãng đồng hồ tốt nhất ở châu Âu cho ra đời biến thể của mình với những tính năng mà đôi khi chỉ mang ý nghĩa trang trí hoặc khoe trình độ mà ít hoặc thậm chí không có giá trị sử dụng.

Những năm 2000 là thời điểm vàng son của đồng hồ tourbillon khi chúng luôn nằm trong top đồng hồ đắt nhất. Hầu hết các đồng hồ Tourbillon Swiss made đều có giá từ 40.000$ trở lên và chuyện phải trả hàng trăm ngàn $ cho một chiếc tourbillon cũng rất thường gặp.



Vì thế, tháng Một vừa rồi, giới chơi đồng hồ trên thế giới sững sờ khi TAG Heuer công bố Heuer-02T, một chiếc tourbillon chronograph làm tại Thụy Sĩ với giá rẻ nhất trên thị trường, chỉ 15.000$. TAG Heuer đã đơn giản hóa phần tourbillon và đồng hồ của họ cũng không chau chuốt như đồ của các hãng cao cấp hơn như A. Lange & Söhne, DeWitt hoặc Girard-Perregaux.



Nhưng thực ra, cũng có những hãng khác giảm được giá thành của đồng hồ tourbillon và họ đến từ Trung Quốc. Seagull có một chiếc bán giá dưới 5.000$ còn Công ty Đồng hồ Hàng Châu thậm chí bán chiếc AATOS Tiago chỉ vài trăm $. Họ đơn giản hóa việc sản xuất, áp dụng cách làm phi truyền thống và vật liệu cũng không cao cấp bằng.



Người Trung Quốc cũng tiến bộ dần lên. Thậm chí một số người còn cho rằng sản phẩm của họ đã đạt tới 90% của đồng hồ tourbillon Thụy Sĩ trong khi giá lại chỉ bằng số lẻ. Tất nhiên, khách hàng truyền thống vẫn chuộng đồ của các nhà làm đồng hồ danh tiếng hơn là sản phẩm của những brand không ai biết tới, nhưng cũng sẽ có rất nhiều người sẵn lòng mua đồ giá rẻ hơn. Và ngày càng có nhiều brand đồng hồ Trung Quốc tung ra những chiếc tourbillon của riêng mình.

Cho tới hiện tại, đồng hồ tourbillon vẫn là mơ ước của người chơi đồng hồ, có thể vì vẻ đẹp cơ khí, sự tinh xảo, thương hiệu hay đơn giản vì sự đắt đỏ của nó. Nhưng không ai biết trước được tương lai.

Theo Hoàng Duy
Labels: ,
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.